MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan BHXH Bình Dương mời những người trùng thông tin lên để điều chỉnh lại cho đúng. Ảnh: Đình Trọng

Mượn danh để làm hồ sơ giả đi xin việc: Coi chừng mất quyền lợi về sau

ĐÌNH TRỌNG LDO | 28/05/2020 10:30

Vì chưa đến tuổi lao động, không có giấy tờ hoặc để đáp ứng điều kiện tuyển dụng, nhiều người đã tìm cách làm giả hồ sơ để xin vào các công ty làm việc. Thiệt thòi chỉ phát sinh khi xảy ra sự cố, người lao động (NLĐ) đi giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng không được vì trùng thông tin. Cơ quan BHXH Bình Dương đang tìm cách gỡ rối bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm NLĐ.

Nhiều thiệt thòi khi mượn danh làm hồ sơ xin việc

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động (LĐ). Để vào được các công ty (Cty) làm việc, nhiều người đã tìm cách làm giả hồ sơ để xin việc bằng cách mượn giấy tờ cá nhân của người khác.

Nguyên nhân của việc này do họ chưa đến tuổi LĐ, không có giấy tờ tùy thân hoặc để đáp ứng điều kiện tuyển dụng doanh nghiệp (DN). Người mượn và người cho mượn thường là anh em, bạn bè hoặc ở chung xóm trọ. 

Chị Nguyễn Thị Diễm Hương (26 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (29 tuổi, quê Sóc Trăng) là một trong những trường hợp như vậy. Năm 2010, Hương và Tiên ở cùng dãy trọ với nhau. Do lên Bình Dương nhưng chưa đủ tuổi LĐ nên Hương đã mượn CMND của Tiên để nhờ người hoàn tất hồ sơ xin việc làm.

Gần 1 năm sau, hồ sơ Hương được phát hiện là hồ sơ giả và trùng với người khác nên đã điều được chỉnh lại. Tuy nhiên, sự việc chỉ phát sinh gây bất lợi cho một trong hai bên khi 10 năm sau, Tiên bị thất nghiệp, đi làm hồ sơ nhận các chế độ BHXH nhưng không được. Cơ quan BHXH báo hồ sơ của Tiên bị trùng với người khác. 

“Tôi không nghĩ sự việc lại phức tạp như vậy. May mà hai chị em còn giữ số điện thoại liên lạc với nhau. Giờ tôi mới hiểu được hệ lụy và trách nhiệm của mình. Tôi chỉ mong cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ để chị Tiên là người giúp tôi trước đây sớm nhận được quyền lợi BHXH” - Hương chia sẻ.

Còn trường hợp anh Nguyễn Văn Hòa (47 tuổi, quê Vĩnh Long) vì không có giấy tờ tùy thân đã mượn CMND của anh trai để đi làm hồ sơ. Suốt 14 năm qua, anh Hòa đi làm bằng tên của anh trai mình là Nguyễn Văn Đông ở Cty gỗ tại Thành phố Thuận An, Bình Dương. Anh Hòa lý giải: “Lúc đó do nghèo quá, muốn lên Bình Dương đi làm công nhân (CN) nhưng không có giấy tờ tùy thân nên đã mượn CMND của anh trai để làm hồ sơ. Khi ốm đau đi khám bệnh không được bảo hiểm chi trả vì thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tên Đông còn CMND mới làm của tôi lại tên Hòa. Nhiều cái thiệt thòi, rắc rối, nhất là khi đi giải quyết các chế độ BHXH mà các thông tin cá nhân không trùng khớp”- anh Hòa cho biết.

Xác định người giả-người thật, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ

Theo cơ quan BHXH Bình Dương, việc mượn giấy tờ tùy thân làm giả hồ sơ xin việc ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi lâu dài cả hai bên. Cơ quan BHXH khuyến cáo người dân không nên mượn hoặc cho mượn giấy tờ cá nhân để làm hồ sơ giả đi xin việc. Bởi khi có sự cố xảy ra, họ mất hết quyền lợi về BHXH, BHYT và trợ cấp thất nghiệp…

Để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, hiện nay, BHXH Bình Dương đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gỡ rối điều chỉnh hồ sơ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Phát hiện 800 trường hợp mượn danh

Ngoài các trường hợp trên, ông Nguyễn Phi Hiền - Phó Giám đốc BHXH Bình Dương - cho hay, qua việc thực hiện số hóa để quản lý đảm bảo mỗi người chỉ có một mã số bảo hiểm duy nhất xuyên xuốt, cơ quan BHXH đã phát hiện khoảng 800 hồ sơ có thông tin cá nhân không trùng nhau.

BHXH Bình Dương đang liên hệ để giải quyết cho 70 trường hợp trong tháng 5.2020. Mục tiêu đến cuối năm nay, cơ quan BHXH Bình Dương sẽ giải quyết cho tất cả trường hợp công nhân lao động “mượn danh” người khác khi đi làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn