MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe chở đất đá phục vụ Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vừa gây ô nhiễm, mất trật tự an toàn giao thông, vừa gây hư hại cho hệ thống đường khiến dư luận bức xúc. Ảnh: CTV

Mượn đường chở đất đá, các chủ xe phải đặt cọc tiền sửa đường trước

Nguyễn Hùng LDO | 14/07/2021 14:16

Đồng ý cho mượn đường để chở đất đá phục vụ Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Hạ Long, nhưng UBND TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải đặt cọc tiền vào ngân hàng để có trách nhiệm sửa lại đường sau này. Với việc đặt cọc này, sẽ không còn tình trạng vận chuyển đất đá xong, các chủ xe “mất tích”, để lại các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng.

UBND TP.Móng Cái đã đồng ý cho cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại Trường Lộc được vận chuyển đất đá, vật liệu rời theo cung đường đã đăng ký với các phương tiện đã đề xuất, để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Theo Chủ tịch UBND TP.Móng Cái Hồ Quang Huy, các tuyến đường xe chở đất đá chạy qua được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và tiền của nhân dân, nên các DN vận tải “mượn” nhưng phải có trách nhiệm tu sửa sau này. Ảnh: CTV

Quyết định trên được ban hành sau khi công ty này đặt cọc tiền xe vận tải sử dụng hạ tầng giao thông của thành phố với hình thức ủy nhiệm chi tại ngân hàng.

Các khoản tiền này gồm: 15 triệu đồng/xe và ít nhất 50% giá trị đầu tư một đoạn đường mà các xe này sẽ chạy qua. Ước tính, chỉ riêng số tiền đặt cọc cho số xe là 560 triệu đồng; còn số tiền đầu tiên cho tuyến đường xe chạy các bên đang tính toán, bởi số tiền khá lớn.

Ngoài phải đặt cọc tiền, trong quá trình vận chuyển, đơn vị vận tải phải đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đường, đảm bảo đi lại cho cả phương tiện thi công và người dân địa phương.

Ông Hồ Quang Huy – Chủ tịch UBND TP.Móng Cái – cho biết, thời gian qua, việc vận chuyển đất đá để san lấp mặt bằng Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại địa phận thành phố rất phức tạp. Nhiều loại xe quá khổ, quá tải chạy ngày đêm, vừa gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông, vừa ảnh hưởng tới kết cấu đường.

“Để vận chuyển nguyên liệu phục vụ dự án, cũng không còn con đường nào khác. Để hài hòa lợi ích, phục vụ vì sự phát triển chung, các doanh nghiệp vận tải buộc phải đặt cọc tiền và cam kết các phương án bảo đảm an toàn trong suốt quá trình vận chuyển” – ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, việc đặt cọc tiền là nhằm buộc các chủ xe phải có trách nhiệm sửa lại đường hỏng sau khi kết thúc việc vận chuyển. Đối với các trường hợp không thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng giao thông, thành phố sẽ sử dụng số tiền đặt cọc để thực hiện và xử lý các đơn vị vận chuyển theo quy định của pháp luật do lỗi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trước đó, đơn vị tham gia vận chuyển đất đá phục vụ dự án không đồng tình với phương án của UBND TP.Móng Cái, buộc địa phương này phải ra quyết định dừng mọi hoạt động của tất cả các phương tiện vận tải vận chuyển đất, đá, vật liệu rời đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn