MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tọa đàm với chủ đề: "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động" diễn ra ngày 10.12 bên lề Hội nghị Ngoại giao 31. Ảnh: Nhật Hạ

Muốn khôi phục kinh tế, nhất định phải mở đường bay

THANH HÀ LDO | 12/12/2021 09:55

Mở đường bay là mong muốn của các đại sứ quán và "rõ ràng muốn khôi phục kinh tế thì bắt buộc phải mở đường bay” - các đại biểu chia sẻ tại toạ đàm về ngoại giao kinh tế ngày 10.12.

“Bao giờ Việt Nam mở cửa?”

Tại tọa đàm với chủ đề: "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động" diễn ra ngày 10.12 bên lề Hội nghị Ngoại giao 31, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định: “Mối quan tâm chính của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là nắm bắt thời thế, đón trước cơ hội để thích ứng thành công”. Theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam, với "chỉ số sinh tồn, vượt khó" cao đã "sống sót” và đang tiếp tục “tìm cơ hội thịnh vượng trong bình thường mới". Thứ trưởng lưu ý, hiện tại, Việt Nam đang chuyển mình. Sau gần 2 năm tác động của đại dịch, Việt Nam chủ trương bình thường mới, kinh doanh, thích ứng với dịch bệnh. Mới đây nhất, Việt Nam đồng thuận bình thường hóa các chuyến bay thương mại, tạo cơ hội tốt để khôi phục sản xuất, kinh doanh thương mại.

Chia sẻ bên lề tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Anh - Nguyễn Hoàng Long - bày tỏ sự thấu hiểu về nhu cầu đảm bảo an toàn khi mở cửa nhưng cũng nhấn mạnh: "Mở đường bay là mong muốn của các sứ quán” và “rõ ràng muốn khôi phục kinh tế thì bắt buộc phải mở đường bay”. 

“Khi tăng cường hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp phải tăng cường giao thương, giao lưu, đi lại, các nhà đầu tư phải sang tận nơi gặp nhau, nhìn nhau còn nếu chỉ gặp trực tuyến không thì cũng rất khó” - Đại sứ Long nói. 

Tương tự, Đại sứ Việt Nam tại Áo - Nguyễn Trung Kiên - cho biết: “Hiện nay, khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp ở Áo, câu hỏi đầu tiên của doanh nghiệp và Bộ Kinh tế Áo là bao giờ Việt Nam mở cửa? Việt Nam sẽ mở cửa như thế nào?”. 

Đại sứ cho biết thêm, trong trao đổi, bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp sở tại nhấn mạnh: “Đi vào trao đổi giao thương thì không online được. Online chỉ có thể cung cấp cho nhau thông tin, cung cấp cho nhau về sản phẩm, nhưng khi đàm phán thì không được. Rất nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam quan tâm điều kiện cách ly, điều kiện quay trở về, vào thì làm việc với ai, đi thăm nhà xưởng, thăm sản phẩm, xem nguyên liệu như thế nào… Nếu không vào được thì không thể làm ăn kinh tế được” - Đại sứ nói. Ngoài ra, ông cũng lưu ý tới một nhu cầu rất lớn khác là nhu cầu trở về thăm thân của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Áo. 

"Cơ sở" cho doanh nghiệp ra nước ngoài

Chia sẻ tại tọa đàm, Đại sứ Hà Kim Ngọc - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - khẳng định, ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ doanh nghiệp giờ đây trở thành cốt lõi trong hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là Mỹ. Đại sứ chỉ ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Chính sách của Mỹ về cơ bản vẫn mở cửa cho các sản phẩm của Việt Nam vào Mỹ. Tuy nhiên, các hàng rào về kỹ thuật, chống bán phá giá, phòng vệ thương mại được dựng lên ngày càng nhiều, nhất là những nhóm mặt hàng có tốc độ tăng nhanh, tăng cao vào thị trường này thì sẽ rơi vào tầm ngắm của các nhà sản xuất, các hiệp hội cũng như các chính quyền. 

Cũng theo Đại sứ, thị trường Mỹ rất rộng lớn và có nhu cầu thu hút đầu tư. Hiện nay, Việt Nam có 200 dự án đầu tư tại Mỹ và thành công phải kể đến một doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất xe điện và một doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thân thiện với môi trường với tổng vốn đầu tư tới 1 tỉ USD. 

"Chúng tôi nghĩ vào thị trường Mỹ thì không đơn giản nhưng cũng có nhiều cơ hội và khi đã vào được thì cơ hội thành công khá cao" - Đại sứ Hà Kim Ngọc nói. Ông chỉ ra một số xu hướng mới mà Mỹ phát triển mạnh, thậm chí bùng nổ khi đại dịch là kinh tế số, kinh tế xanh... và đây là những lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu. 

Tại tọa đàm, ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI - chia sẻ, với doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, “các cơ quan đại diện, đại sứ quán, tham tán thương mại ở nước ngoài là những cơ sở đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam khi bước chân ra nước ngoài để bắt đầu kinh doanh, hợp tác quốc tế”.

Tương tự, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro, Tập đoàn BRG - cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam "rất cần thông tin từ phía các cơ quan đại diện ngoại giao và các đại sứ". Nhấn mạnh dù thế giới trong "bể thông tin" nhưng "thông tin từ các đại sứ ở các khu vực thị trường, từng lĩnh vực cụ thể, từng đất nước cụ thể cực kỳ quý giá với các doanh nghiệp".

Ông Sơn cho biết, thời gian vừa qua doanh nghiệp của ông đã sử dụng tương đối tốt những thông tin này. Ngoài thông tin nhận được định kỳ, kinh nghiệm của công ty là "đặt hàng" trực tiếp với một số khu vực thị trường. "Đây là yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp có thể dựa vào cơ quan đại diện ngoại giao" - ông nói. 

Ông Vũ Thanh Sơn cũng đề xuất các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là các cá nhân đại sứ, giúp đỡ kết nối khách hàng - theo 2 chiều, cả khách hàng ở nước sở tại có nhu cầu mua hàng hóa của Việt Nam và kết nối khách hàng ở các nước sở tại muốn bán hàng vào thị trường Việt Nam. Ông cũng chia sẻ thêm những ví dụ cụ thể về việc doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao trong việc xuất khẩu sang Mỹ, UAE...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn