MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân gia cố chuồng trại chống rét cho vật nuôi. Ảnh: Trần Trọng.

Muôn kiểu chống rét của người dân vùng cao Hòa Bình

Trần Trọng LDO | 07/12/2022 15:51

Để vượt qua cái lạnh thấu da ở vùng núi cao, bà con nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chủ động chuẩn bị nhiều biện pháp chống rét cho người và vật nuôi.

Do địa hình chủ yếu là đồi núi, nên vào mùa đông, tỉnh Hòa Bình thường chịu rủi ro thiên tai do rét đậm, rét hại, sương muối. Điển hình như đợt rét lịch sử năm 2010 đã làm chết 10.000 con gia súc trên địa bàn toàn tỉnh.

Những ngày đầu tháng 12.2022, nền nhiệt ở nhiều khu vực trong tỉnh Hòa Bình xuống đến 10ºC cùng với hiện tượng sương mù, những nơi vùng núi cao có thể giá rét hơn do địa hình và sương muối, nguy cơ thiệt hại cho người và vật nuôi cao. 

Ngày 6.12, PV đã có mặt ghi nhận tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc. Do địa hình đồi núi nên vào những buổi sáng sớm, hay chiều tối thường xuất hiện sương mù, sương muối. Lúc này, thời tiết còn xảy ra mưa phùn nên cái lạnh càng thêm giá buốt.

Nhà nhà tích trữ củi đốt vào mùa đông.

Ông Đinh Văn Tân (60 tuổi, trú xóm Nà Mát, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) cho biết: "Nhiều năm trở lại đây thời tiết mùa đông rất khắc nghiệt đặc biệt là ở vùng núi, thường xuyên xuất hiện rét đậm, rét hại, sương muối, có thời điểm nhiệt độ xuống 1-2ºC". 

Có kinh nghiệm qua nhiều mùa giá rét, gia đình ông Tân đã có sự chuẩn bị trước về việc giữ ấm đàn trâu của mình bằng cách quây bạt quanh chuồng giúp che chắn gió, dự trữ rơm rạ,... Nếu nhiệt độ xuống thấp thì sẽ đốt củi để sưởi ấm cho trâu, bò.

Nghé con được mặc áo ấm.

"Ngoài những cách trên thì gia đình tôi còn phải dùng áo len cũ để mặc cho nghé con, vì sức chịu lạnh của nó thấp. Trông thì phong phanh vậy thôi, nhưng mảnh vải ấy rất hiệu quả, nếu không chăm sóc kỹ, nghé con có thể bị chết rét", ông Tân chia sẻ.

Trời rét buốt nên trẻ con được hạn chế ra ngoài, người dân đi đường đều đều mặc những chiếc áo phao dày, nếu đi xe máy thì không thể thiếu găng tay, áo mưa để đảm bảo việc giữ ấm cơ thể.
Mọi vật dụng giữ ấm đều được người dân sử dụng khi ra đường.

Trong những ngôi nhà, người lớn, trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa, đây được coi như là biện pháp hữu hiệu nhất của bà con vùng cao. Trong những ngôi nhà có gác mái, bếp lửa không chỉ có tác dụng sửa ấm mà còn là một chiếc lò sấy giúp lương thực như ngô, lúa được khô ráo và bảo quản rất hữu hiệu.

Để có chất đốt trong những ngày đông, gia đình ông Tân cũng như mọi nhà dân tại xã Tiền Phong đều có một đống củi khô, lượng củi được trữ càng nhiều củi thì ngôi nhà của họ càng ấm áp trong mùa đông.

Các lòng bè đều được che chắn cẩn thận.

Tiền Phong là địa phương có diện tích lòng hồ sông Đà, một bộ phận người dân sinh sống tại các lồng cá. Mùa đông đến, các nhà bè đều được quây kín bằng bạt hoặc tôn, đảm bảo gió không thể thổi vào.

Ông Xa Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: "Ở đây thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông. Năm 2020, giá rét đã khiến hơn 50 con trâu, bò bị chết. Đông đến, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để bà con nhân dân tích trữ chất đốt, lương thực, gia cố nhà cửa, chuồng trại và hạn chế tối đa chăn vật nuôi ngoài tự nhiên vào những ngày nhiệt độ xuống thấp".

Bếp lửa luôn đỏ lửa trong mùa đông ở vùng cao.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, trên địa bàn huyện hiện đang có 980 hộ có chuồng nuôi kiên cố; số lượng trâu: 9.312 con; bò: 9.825 con; lợn: 28.167 con; dê: 8.058 con; gia cầm: 355.660 con; ngựa: 383 con.

Ông Bùi Khắc Vinh – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết: "Từ tháng 10.2022 đến nay, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản về việc tuyên truyền hướng dẫn chi tiết bà con nhân dân thực hiện biện pháp chăm sóc vật nuôi trong mùa đông. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại địa phương".

Qua đó, tình hình chống rét tại địa phương ngày càng được cải thiện, số lượng vật nuôi bị thiệt hại ngày càng giảm. Trong mùa đông năm 2020 - 2021, huyện Đà Bắc có 61 con gia súc bị chết do giá rét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn