MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Muôn kiểu “né” đo nồng độ cồn dân mạng truyền tai nhau để về nhà

Anh Tuấn LDO | 05/01/2020 17:43
Từ 1.1.2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Luật nghiêm cấm việc "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Trước thực tế này, dân mạng truyền nhau các cách thức để về nhà mà không bị phạt.

Sử dụng dịch vụ "đưa người say về nhà"

Mấy ngày qua, không ít khách hàng sau khi sử dụng rượu bia đã lựa chọn dịch vụ đưa người say về nhà. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất để tránh việc bị xử phạt theo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Mạnh Hùng, người mở dịch vụ đưa người say về nhà cho biết, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, khách hàng sử dụng dịch vụ này nhiều hơn. Trung bình một ngày đường dây nóng của anh nhận được từ 15-20 cuộc gọi; thời điểm khách say gọi nhiều nhất từ 19 giờ - 23 giờ khuya.

Nở rộ dịch vụ đưa người say về nhà. Ảnh: V.T

“So với taxi, dịch vụ đưa người say rượu về nhà có giá dịch vụ cao hơn, khoảng 250.000 đồng cho quãng đường dưới 10 km. Hình thức hoạt động của dịch vụ khá đơn giản, khách hàng chỉ cần gọi điện đến đường dây nóng của dịch vụ, thông báo địa điểm của mình.

Ngay lập tức, tài xế bên dịch vụ sẽ có mặt để đưa khách hàng về nhà. Về tài sản trong xe, các tài xế sẽ niêm phong theo ý khách hàng và có ghi rõ trong bản hợp đồng cung cấp dịch vụ”, anh Hùng nói.

Mua áo, mũ xe ôm để “né” đo nồng độ cồn

Trên mạng xã hội hai ngày gần đây, nhiều dòng trạng thái như: “Các ngài đã sắm cho mình một bộ đồ Grab, Be, Go-Viet để đi nhậu xong mặc về chưa” hay “Mua đồ chạy Grab đi nhậu anh em ơi” hoặc “Từ nay, sau khi nhậu tôi sẽ thành một người chạy xe ôm”…

Động thái này xuất hiện sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Theo chia sẻ của dân nhậu, sau khi trong người có hơi men, việc mặc  quần áo xe ôm công nghệ sẽ đỡ bị CSGT để ý hơn, có thể qua mặt được công an.

Những trạng thái “rủ rê” nhau mua quần áo xe ôm công nghệ được đăng tải trên mạng xã hội.

Hiện nay, quần áo xe ôm công nghệ được bày bán tràn lan trên mạng và trên vỉa hè các tuyến đường như Lê Duẩn, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến... 

Combo 1 áo khoác Grab, 2 nón Grab đang được bán với giá 265.000 đồng/combo. Combo 1 áo khoác Go-Viet, 2 mũ Go-Viet có giá 320.000 đồng giảm còn 295.000 đồng/combo.

Tuy nhiên, việc mua bán áo, mũ xe ôm công nghệ đang diễn ra không đúng theo quy định, chính sách của các hãng gọi xe. Do đó, đại diện một số hãng xe cũng khẳng định, sẽ tích cực đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục và giả mạo đồng phục của hãng.

Lùng mua kẹo giải rượu để "né" phạt

Nhiều người đã lên mạng tìm mua kẹo giải rượu để tránh bị kiểm tra nồng độ cồn. Thế nhưng, thực chất loại kẹo của Hàn Quốc này chỉ giúp giải rượu nhanh giúp tỉnh táo hơn. Kẹo giải rượu không thể giúp người uống đưa nồng độ cồn về 0.

Hiện nay, kẹo giải rượu đang được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội. Giá kẹo dao động từ 50 - 55 nghìn đồng/túi 3 viên, giá một hộp gồm 10 gói là 450 - 500 nghìn đồng.

Mua bia chay để nhậu với bạn bè

Không ít người đã chọn giải pháp mua bia chay để trên xe rồi mang tới các cuộc nhậu. Đây cũng là giải pháp được khách nhậu lựa chọn sử dụng vì người uống vẫn có thể lái xe về, do loại bia này có nồng độ cồn 0%.

Hiện nay, trên thị trường, bia chay phổ biến nhất là loại bia có vị việt quất và vị chanh. Đây là loại bia không độ của Tiệp dành cho người ăn kiêng, ăn chay.

Giá của một thùng bia chay 24 lon trên thị trường đang dao động khoảng 760 - 840 nghìn đồng. Giá bán lẻ theo lon dao động khoảng 30 - 35 nghìn đồng/lon.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn