MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe máy cũ nát được sử dụng, lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh ghi nhận ngày 16.3. Ảnh: ĐÔNG ĐỨC

Muốn thu hồi, xử lý xe máy cũ nát phải có cơ chế, chính sách cụ thể

Đông Đức LDO | 18/03/2021 10:30

Từ lâu, TP.Hà Nội đã đề xuất lộ trình xử lý xe máy quá niên hạn sử dụng, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay việc kiểm soát khí thải xe máy, xử lý, thu xe cũ nát vẫn chưa được thực hiện vì nhiều vướng mắc pháp lý, buộc người dân phải sống chung với ô nhiễm khí thải.

Xe máy cũ nát và những nguy cơ tiềm ẩn

Những chiếc xe máy cũ nát, quá đát chở hàng hóa cồng kềnh hiện vẫn đang là vấn đề nan giải đối với các đơn vị chức năng của Hà Nội. Những phương tiện cũ nát này gây không ít phiền toái đối với người tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 16.3 tại Hà Nội, những chiếc xe máy cũ nát không biển số, không đầy đủ phụ tùng, trơ khung sắt… vẫn ngang nhiên di chuyển trên đường phố Thủ đô. Cụ thể tại đường Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy) những chiếc xe máy có “tuổi thọ” hàng chục năm, rệu rã, hư hỏng nhiều bộ phận thậm chí không có đèn, gương chiếu hậu… vẫn di chuyển với tốc độ cao trên đường.

Gần đó, dọc tuyến đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) cũng xuất hiện xe máy cũ nát lưu thông, những xe này được “độ” thêm giá chở hàng hay kéo theo hàng tá hàng hóa đằng sau. Việc những chiếc xe này lưu thông vô tư trên đường phố như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, đặc biệt trong thời tiết mưa phùn đường trơn trượt.

Những chiếc xe máy như vậy cũng xuất hiện ở đường Đê La Thành, Giảng Võ, Huỳnh Thúc Kháng… người sử dụng đã lắp đặt thêm nhưng phụ tùng như giảm sóc, giá đỡ… để xe có thể chở được thêm nhiều hàng hóa có trọng lượng gấp nhiều lần trọng lượng của xe.

Nhiều chiếc xe chở than, chở đá sạch, hàng hóa cồng kềnh bất chấp nguy hiểm ngang trên đường phố. Cá biệt, có những người chở hàng, chở những thanh sắt dài hàng mét hay vật liệu xây dựng cồng kềnh mà không có biện pháp bảo đảm an toàn nào.

Theo TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên trường Đại học Việt Nhật - việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã cũ nát đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.

Việc thu hồi và xử lý những chiếc xe cũ nát như vậy cũng gặp không ít khó khăn và vướng mắc do những phương tiện này đều liên quan đến quyền tài sản của mỗi công dân.

Ngoài ra chúng gắn liền với người lao động phổ thông, là phương tiện mưu sinh, là miếng cơm manh áo hằng ngày của họ và gia đình. Trước mắt có thể tập trung xử phạt nặng những xe nhả khói mù trời, mắt thường cũng nhìn thấy được. Muốn không còn sống chung với khói bụi, với ô nhiễm thì cơ quan có thẩm quyền cần thúc tiến độ hỗ trợ thu hồi xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe máy.

Ông Bình cho rằng, nếu nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, đối với xe máy, ông nghĩ phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được. Trong quá trình xây dựng kế hoạch và lộ trình đối với việc thu hồi xe cũ nát, cơ quan chức năng nên tính đến phương án hỗ trợ tài chính cho những người sở hữu phương tiện bị thu hồi để họ có điều kiện mua xe mới, từ đó sinh kế của họ sẽ ít bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, sau khi thu hồi cũng cần có giải pháp xử lý đối với những loại xe này bởi hiện nay chúng ta chưa phát triển được công nghiệp tái chế, đặc biệt là tái chế kim loại mà những loại xe này chủ yếu là kim loại.

Cần hành lang pháp lý vững chắc

Luật sư Vũ Tuấn - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho biết cần phải làm rõ định nghĩa thế nào là phương tiện cũ nát. Các cơ quan chức năng cần thông qua việc kiểm tra, đo đạc các phương tiện rồi đối chiếu với các quy chuẩn an toàn kỹ thuật sau đó đưa ra các tiêu chí để đánh giá, phân loại các xe.

Việc này, để xác định xem các xe lưu thông trên đường có phải là xe cũ nát trong diện phải thu hồi hay không. Bên cạnh đó, do xe máy là tài sản cá nhân và không có quy định về niên hạn sử dụng nên nếu muốn thu hồi loại phương tiện này, cơ quan chức năng cần phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc.

Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào điều này để thu hồi phương tiện cũ nát là không khả thi.

Theo luật sư Tuấn, để triển khai công tác thu hồi xe máy cũ nát, các ngành chức năng sẽ thực hiện việc kiểm tra, đo đạc các quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để xác định xe thuộc đối tượng thu hồi. Bên cạnh đó, trong trường hợp xe sử dụng thời gian quá lâu, khung xe gỉ sét không đủ an toàn thì nên thu hồi, không được phép lưu thông để tránh gây ra tai nạn hoặc phát thải quá nhiều khi lưu thông trên đường. Cần phải kiểm tra cả việc này chứ không phải chỉ kiểm tra động cơ về khí thải.

Nhà nước phải xây dựng cơ chế, chính sách thu hồi xe máy khi không còn đạt chuẩn bằng việc hỗ trợ cho chủ phương tiện về cơ chế tài chính. Từng bước đi đến việc cưỡng chế thi hành, không cho phép lưu thông loại xe không đạt yêu cầu, thậm chí tịch thu phương tiện.

Đồng quan điểm, đại úy Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho rằng, mặc dù những chiếc xe cũ nát lưu thông trên đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông nhưng việc xử lý các xe cũ nát lưu thông trong thành phố không phải là chuyện đơn giản.

Đặc biệt đối với xe máy thì khi chưa có hành lang pháp lý vững chắc và cụ thể. Bởi việc kiểm định chất lượng hiện nay chỉ thực hiện đối với phương tiện ôtô. Điều này dẫn tới việc lực lượng chức năng sẽ thiếu cơ sở để xác định mức độ vi phạm để xử lý và thu hồi xe cũ nát.

Bên cạnh đó, Đại úy Chinh cũng cho biết hiện tại lực lượng CSGT chỉ có thể xử lý khi người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông.

Ngoài ra, nếu mức xử phạt quá cao so với giá trị của xe, nhiều chủ xe sẵn sàng bỏ xe. Điều này, tạo thêm nhiều khúc mắc trong quá trình xử lý khi theo quy định cần phải thành lập nhiều hội đồng khác nhau để có thể xử lý xong những chiếc xe đã bỏ lại. Chính vì vậy, cần có những hành lang pháp lý, những quy chuẩn cụ thể về đánh giá, phân loại xe cũ nát thì lực lượng chức năng mới có cơ sở để xử lý các xe không đảm bảo điều kiện khí thải lưu thông trên đường phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn