MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời tiết tại TP Cần Thơ khá nắng nóng, oi bức. Ảnh: Ngọc Ly

Mưu sinh dưới trời nắng nóng, người lao động lo lắng nguy cơ đột quỵ

NGỌC LY LDO | 07/04/2024 10:27

Cần Thơ - Nắng nóng kéo dài khiến những lao động tự do như bán vé số dạo, bán hàng rong, chạy xe ôm càng thêm mệt mỏi, chật vật trong công cuộc mưu sinh cùng nỗi lo về nguy cơ đột quỵ.

Chật vật mưu sinh dưới thời tiết nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài tại khu vực Nam bộ. Đầu tháng 4 nắng nóng gay gắt, độ ẩm tương đối thấp phổ biến 35-45%, nền nhiệt dao động 35-37 độ C.

Tại TP Cần Thơ, nhiệt độ ngày 7.4 dao động từ 32-36 độ, thời tiết oi bức, hanh khô. Dưới cái nắng gay gắt cộng với khí nóng từ khí thải xe cộ và mặt đường bốc lên khiến không khí ngột ngạt, thế nhưng ông Phạm Văn Phước (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn cố gắng chạy xe ôm kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ông Phước cho biết: “Năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt hơn năm trước. Mỗi khi nhận cuốc xe chở khách, tôi phải mặc áo dài tay, đội mũ, đeo khẩu trang thật kín nhưng nóng vẫn rát da, mồ hôi đổ liên tục, tôi phải dùng khăn để lau”.

Nắng nóng khiến mồ hôi đổ liên tục, ông Phước phải mang theo khăn để lau. Ảnh: Ngọc Ly

Cũng theo ông Phước, tình trạng nắng nóng người dân hạn chế ra ngoài khiến thu nhập của ông cũng sụt giảm. Bên cạnh đó, vì điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu giải khát do nắng nóng cao, ông Phước phải mang theo bình nước để uống giải khát và tiết kiệm tiền mua.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nho (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng chật vật mưu sinh bên gánh hàng rong dưới thời tiết khắc nghiệt. “Nếu thời tiết mát mẻ, tôi đi bộ bán hàng cũng nhẹ nhàng, bây giờ thời tiết nắng gay gắt, gánh hàng đi bán cũng mệt mỏi hơn. Đi được một đoạn, tôi phải ngồi nghỉ, uống nước rồi mới đi tiếp được”.

Lo lắng nguy cơ đột quỵ

Tình trạng nắng gay gắt khiến ông Nguyễn Văn Thắng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cảm thấy lo lắng ảnh hưởng sức khỏe, nhất là nguy cơ dễ mắc bệnh đột quỵ.

“Tôi trú tạm dưới bóng cây nhưng hơi nóng vẫn cứ xộc vào người. Có lúc chạy xe khi trời nắng gắt, tôi chóng mặt, đầu óc choáng váng sợ ngất giữa đường thì nguy hiểm, nhất là nguy cơ mắc đột quỵ”, ông Thắng lo lắng.

Người lao động tìm bóng mát để tránh nắng. Ảnh: Ngọc Ly

Theo ông Thắng, để phòng ngừa bệnh cho bản thân, ông luôn mang theo khăn và nước, khi cảm thấy nóng bức sẽ dùng khăn làm ướt để lau mặt, tay chân cho mát người. “Hôm nào trời nóng quá, cơ thể mệt mỏi, tôi sẽ nghỉ một buổi. Còn nếu đi làm sẽ mang theo khăn làm ướt để lau mồ hôi cho mát”, ông Thắng cho hay.

Ông Phạm Văn Phước (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: “Lớn tuổi, lại có bệnh nền, sức khỏe đã yếu sẵn cộng với thời tiết nắng nóng, tôi rất lo có thể chóng mặt và sợ nhất là đột quỵ”.

Theo các chuyên gia y tế, môi trường nắng nóng với nền nhiệt cao là yếu tố nguy cơ dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ não cứ tăng thêm một độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng lên 10%.

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ - Phó Khoa Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: Vào những ngày nhiệt độ tăng cao, mọi người cần cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm nắng gắt để góp phần giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, khi nhận thấy những dấu hiệu của đột quỵ, cần đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn