MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm 2014, người dân từng đào được mộ nghi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bích Hà LDO | 11/01/2020 19:27
Những ngày qua, người dân xôn xao trước thông tin tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn 8, xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Theo đó, một số người dân ở đây đã tự ý tổ chức khai quật mộ tại khu vực cánh đồng thôn 8, xã Hòa Bình. Sau khi tự ý thuê máy xúc đào xới, đã tìm thấy 2 quan tài gỗ, một người dân “tự xưng” là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “nhập hồn” và đòi gặp cơ quan chức năng.

Một số người dùng điện thoại quay video, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội và thông tin phần mộ liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, dẫn đến việc người dân hiếu kỳ tìm đến, tụ tập đông người tại khu vực cánh đồng thôn 8, xã Hòa Bình.

Trước sự việc này, UBND TP.Hải Phòng đã tiến hành tuyên truyền, hiện người dân san lấp trả lại mặt bằng như cũ, không còn tụ tập đông người tại đây, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm.

 Khu vực cánh đồng thôn 8 xã Hòa Bình nơi người dân tự ý khai quật mộ rồi xưng là mộ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh CTV

Trước khi có sự việc này, đã từng xuất hiện thông tin về mộ thật của cụ Nguyễn Bình Khiêm.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) vốn người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia kỳ thi dưới triều nhà Mạc và đỗ trạng nguyên ngay trong lần đầu ứng thi. Ông từng được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Với tài năng hơn người, đương thời, Trạng Trình hiến kế cho các triều đại phong kiến nhiều sách lược chuẩn xác.

Sau khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, dân làng lập đền thờ ngay tại quê nhà (thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) để tưởng nhớ cụ, còn phần mộ của Trạng Trình đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Vào tháng 4.2014, người dân thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo đào được một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ tại vườn nhà một người dân trong thôn. Sau khi an táng bộ hài cốt trong chiếc quách, người dân đã giữ lại chiếc quách gỗ.

Tấm quách từng được cho là thứ cải táng xương cốt cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường

Nghi tấm quách có liên quan đến phần mộ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số người dân ở huyện Vĩnh Bảo mang chiếc quách gỗ tìm đến các nhà nghiên cứu khoa học, nhà thư pháp, nhà Hán Nôm để tìm lời giải đáp.

Sau thời gian nghiên cứu, năm 2017, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội thảo cho rằng khả năng đây là ngôi mộ của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lý do là tìm thấy bài thơ bằng chữ Hán, Nôm được khắc trên tấm quách; tấm quách được làm bằng gỗ ngọc am, có niên đại khoảng 1.700 năm vào thời nhà Mạc... Đặc biệt, sau khi mở ván địa của chiếc quách, các nhà nghiên cứu tìm thấy chiếc thẻ tre bằng tre ngà có nhiều chữ nghi liên quan đến Trạng Trình

Tuy nhiên sau đó, chính quyền địa phương đã bác thông tin bằng cách phát loa thông báo việc này có thể để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan và yêu cầu chấm dứt việc tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự

Thẩm định các hiện vật được cho là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội đồng thẩm định (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng kết luận không tìm thấy dấu vết chữ Hán, chữ Nôm trên bề mặt mẫu vật. Và cho đến nay, vẫn có rất nhiều thông tin về việc đâu mới là mộ thật của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn