MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ tiêu biên chế từ 2015 - 2019

Năm 2019: Giảm mạnh biên chế, tạo đà tăng lương

MINH BẰNG LDO | 17/08/2018 07:00

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019.

Theo đó, so với cách đây 5 năm, chỉ tiêu biên chế đã giảm gần 19.000 người. Đây là con số đáng khích lệ, đúng với chủ trương tinh thần tinh giản biên chế. Song câu hỏi là dù biên chế giảm mạnh, thì tiền lương của cán bộ công chức có tăng theo?

Biên chế nhà nước - những con số biết nói

Năm 2015, theo quyết định của Chính phủ, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2015 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 277.055 biên chế.

Dù mức lương của công chức nhà nước theo biên chế không cao, nhưng do số lượng quá lớn nên khoản tiền trả cho gần 300.000 biên chế mỗi năm ngốn của ngân sách gần 20.000 tỉ đồng.

Năm 2016, con số này là 272.916 biên chế; năm 2017 là 269.084 biên chế; năm 2018 là 265.106 biên chế.

Theo Quyết định 1016/QĐ-TTg mới được phê duyệt thì chỉ tiêu biên chế năm 2019 là 258.163, nghĩa là so với chỉ tiêu năm 2018 đã giảm 6.934 biên chế, đạt 2,6% (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao là 2,5%). Đây cũng là đợt giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ giảm chỉ tiêu trong hai năm 2017-2018 chỉ đạt 1,5% (tương đương 4.000 biên chế).

Cùng với việc giảm chỉ tiêu biên chế, Chính phủ cũng cắt giảm rất mạnh chỉ tiêu biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, con số này năm 2015 là 112.266 thì đến năm 2019 chỉ còn 105.189 biên chế.

Mặc dù đã có những động thái rất mạnh về việc tinh giản biên chế, nhưng Bộ Tài chính hiện vẫn đang vô địch về số lượng biên chế. Năm 2018, Bộ Tài chính được giao 70.771 chỉ tiêu biên chế công chức, trong đó Tổng cục Thuế với 40.983 biên chế, Kho bạc Nhà nước 14.756 chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan 10.250 chỉ tiêu. Năm 2019 số lượng này giảm chỉ còn… 69.286, tức là giảm gần 1.500 biên chế.

Theo nhận định của các chuyên gia, riêng Bộ Tài chính thực trạng “dư thừa” vẫn còn quá nhiều đòi hỏi phải tiếp tục tinh gọn, đặc biệt là xóa sổ những chi cục có số thu nhỏ, các Cục Hải quan có thu ngân sách dưới 20 tỉ hoặc những kho bạc cấp tỉnh thu không đủ bù chi. Đồng thời, áp dụng công nghệ vào lĩnh vực quản lý thu và khai báo thuế cũng như thông quan, kiểm tra hải quan. Áp dụng hải quan điện tử, thuế điện tử thì không cần nhiều chi cục thuế, hải quan. Điều này không chỉ giúp giảm biên chế, thu gọn bộ máy mà còn minh bạch hóa, công khai hóa trong quản lý thuế và thông quan.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở KHĐT Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tinh giản biên chế, lương mới tăng

Nếu tính trung bình một công chức có biên chế được ngân sách trả lương 6 triệu đồng/tháng, tương đương 70 triệu đồng/năm thì năm 2018, với 265.000 biên chế thì mức chi rơi vào khoảng 18.500 tỉ đồng/năm chỉ dành riêng cho lương. Đó là mức chi nếu các ngành, địa phương thực hiện đúng chỉ tiêu. Trên thực tế nhiều năm qua, việc vượt chỉ tiêu là khá phổ biến.

Tháng 5.2018, Kiểm toán Nhà nước đã công bố đáng giật mình mà năm 2017 tại 10 địa phương và 1 bộ đã vượt tới… 5.087 biên chế. Số này phần lớn rơi vào TPHCM với việc vượt chỉ tiêu tới 3.456 biên chế, Bình Dương vượt 678.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc sử dụng lao động (công chức, viên chức, hợp đồng lao động) thực tế có mặt trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người.

Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi ngân sách nhà nước 859 tỉ đồng.

Một trong những giải pháp tổng thể về thực hành tiết kiệm chống lãng phí mà Chính phủ đưa ra, đó là: Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định;

Đồng thời, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; điều chỉnh dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống tổ chức nhà nước; gắn với tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Tiến hành sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả.

Trong tiết giảm đầu mối chi, Chính phủ quyết định không giảm phần chi cho lương. Như vậy, để công chức có thể tăng lương thì buộc phải tinh giản biên chế thật mạnh.

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” để giảm tối đa 30% biên chế hiện nay (đến năm 2020 giảm 10%, 2021-2025 giảm 10% và 2026-2030 giảm 10%).

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cộng Sản tháng 2.2018 đã khẳng định: “Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức là khoản tiền được trả cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn chức danh tương ứng và gắn với chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công.

Tiền lương phải được tính đúng, tính đủ hao phí lao động, có tính đến đặc thù lao động của cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm cho họ sống chủ yếu bằng lương, có mức sống trên mức trung bình của lao động xã hội, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc với lương tâm, trách nhiệm và hiệu quả cao, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng”.

Về các giải pháp, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh: Điều chỉnh chi tiêu công, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn ngoài nhà nước, hợp tác công - tư (PPP) cho đầu tư phát triển, giảm tỉ trọng ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội để dành nguồn cho cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tách dần tổng quỹ lương từ ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội, nguồn chi trả chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo một cơ chế tạo nguồn và chi trả tương đối độc lập với nhau, giảm dần áp lực tăng kinh phí từ ngân sách nhà nước để tăng nguồn chi cho tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức…

Tinh giản, gọn nhẹ, tăng hiệu quả bộ máy vẫn là cái gốc. Việc đưa ra chỉ tiêu biên chế 2019 giảm sâu so với năm trước khẳng định quyết tâm này của Đảng, Chính phủ. Từ đó tạo ra những kỳ vọng về đột phá tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhóm đối tượng thuộc hệ thống các cơ quan quyền lực có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn