MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân Việt Nam lại làm lễ cúng ông Công, ông Táo về chầu trời.

Năm 2019 nên cúng ông Công, ông Táo vào ngày nào là tốt nhất

An Bình LDO | 26/01/2019 19:10
Theo quan niệm truyền thống dân gian Việt Nam, cứ nhằm ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người dân sẽ sửa soạn mâm cỗ cúng để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.

Tục lệ cúng ông Công ông Táo là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt từ bao đời này. Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, các gia đình đi làm công sở cả ngày, nên khó có thể thu xếp thời gian để cúng đúng ngày 23 tháng Chạp.

Vậy có nhất thiết phải làm lễ cúng ông Công, ông Táo đúng vào ngày này hay không là thắc mắc của nhiều gia đình trẻ hiện nay?

Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày, giờ nào?

Theo lịch vạn niên, Tết ông Công ông Táo 2019 năm nay vào thứ hai, ngày 28.1.2019 (tức ngày 23 tháng Chạp).

Theo GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam), tùy theo điều kiện thời gian mà mỗi gia đình có thể chọn ngày, giờ cúng khác nhau, tốt nhất là vào sáng 23 tháng Chạp.

Năm 2019, giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là trong khung giờ 9 - 11 giờ sáng 23 tháng Chạp. Đây là giờ Tỵ và cũng là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cơm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép.

Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, gia đình có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối...

Hiện nay, phú quý sinh lễ nghĩa, trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo nhiều gia đình sắm sửa mâm cao cỗ đầy, thậm chí sắm máy bay, điện thoại bằng vàng mã… làm “phương tiện” tiễn ông Táo về chầu trời. GS Ngô Đức Thịnh cho rằng đây là quan điểm sai lầm, không đúng với truyền thống.

Lễ cúng ông Công ông Táo cần được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia đình.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, lễ cúng ông Công ông Táo nên thực hiện với lòng thành tâm, chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy là tốt. 

Cúng ông Công ông Táo trước 1-2 ngày được không?

Do ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ hai, nhiều gia đình phải đi làm nên không có điều kiện làm cơm cúng ông Công ông Táo vào đúng ngày này.

Nhiều người thắc mắc liệu có thể cúng ông Công ông Táo sớm hay không, ví dụ như vào thứ bảy và chủ nhật tuần này?

Trả lời câu hỏi này, GS Ngô Đức Thịnh cho biết, các gia đình có thể cúng ông Công ông Táo trước 1-2 ngày đều được.

Bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp (tức 26.1.2019 dương lịch) đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp (tức 28.1.2019 dương lịch) các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo về chầu trời.

Nên đặt lễ cúng Táo quân ở đâu?

Nên đặt mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở nơi trang trọng trong gia đình. Ảnh: T.L

Đây cũng là băn khoăn của nhiều gia đình trẻ. Có người quan niệm Táo quân là thần Bếp núc nên tiến hành cúng dưới bếp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia văn hóa, đây là cách hiểu sai. Vì lễ cúng Táo quân là cúng chung ba vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp (thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ) nên phải được cúng tại ban thờ chính là nơi trang trọng nhất trong nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn