MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người thợ phải dùng búa gò nhiều ngày đêm mới hình thành chiếc loa kèn, rất công phu. Ảnh: Nguyễn Thúy

Nam Định: Làng Phạm Pháo tất bật làm kèn trước lễ Phục sinh

Nguyễn Thúy LDO | 04/04/2023 09:48
Cận ngày lễ Phục sinh, làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tất bật sản xuất và sửa chữa kèn Tây để chuẩn bị cho ngày đại lễ lớn của người Công giáo trong năm.

Ngày đêm làm kèn

Trước năm 1945, làng Phạm Pháo đã có đội kèn Tây phục vụ các hoạt động tôn giáo. Kèn thường được sử dụng trong các dịp lễ lớn như lễ Phục sinh, trung thu, Noel hoặc ở các đám tang trang trọng.

Việc có các đội kèn dẫn đến nhu cầu sửa chữa nhạc cụ lúc hư hỏng. Người dân Phạm Pháo ngoài tìm hiểu để sửa chữa còn tự làm ra những cây kèn đồng.

Người thợ cần mẫn “chữa bệnh” cho những chiến kèn. Ảnh: Nguyễn Thúy

Gắn bó nghề làm kèn hơn 30 năm, chị Nguyễn Thị Hằng (48 tuổi) chia sẻ, những ngày này, xưởng của chị dồn hết nhân lực sửa chữa kèn từ các nơi gửi về để chuẩn bị cho lễ Phục sinh năm nay (ngày Chủ nhật, 9.4.2023). Ai nấy cũng đều thành thục sửa chữa gần 20 loại kèn khác nhau như trumpet, saxophone, bass, trombone, baritong…

“Lễ Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất hàng năm của tín đồ Công giáo để kỷ niệm ngày Chúa Jesus sống lại. Lễ này thường diễn ra vào một ngày chủ nhật khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 hàng năm. Năm nay, lễ Phục sinh là ngày chủ nhật 9.4 nên xưởng của tôi phải tăng ca sửa kèn để phục vụ cho đại lễ”, chị Hằng nói.

Ở làng làm kèn đồng Phạm Pháo, hầu hết công đoạn đều được làm thủ công. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo chị Hằng, gia đình chị chỉ sản xuất kèn khi có người đặt. Mỗi năm chỉ chế tác được 10 - 20 chiếc vì công đoạn làm rất tỉ mỉ. Chất liệu làm kèn chủ yếu bằng đồng, mạ crom, vàng, bạc… tùy đơn đặt hàng.

Được biết, giá sửa kèn từ 50.000 - 70.000 đồng/cây. Trong khi đó, giá bán dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng tùy theo loại kèn.

Bật mí phương pháp làm kèn Tây

Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công bởi theo lí giải của các thợ nghề: “Công đoạn đánh bóng, tạo âm đều được làm bằng tay của người thợ kèn, có như vậy thì tiếng kèn mới chuẩn âm”.

Với hầu hết loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải du nhập từ phương Tây.

Làng Phạm Pháo là nơi sản xuất và sửa chữa kèn đồng duy nhất trên cả nước. Ảnh: Nguyễn Thúy

Thông thường, mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 - 250 chi tiết, trong đó có bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm. Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc.

“Trong quá trình chế tác, khâu khó nhất vẫn là chế tạo quả pháo và bộ phím. Ngoài sự lành nghề, người thợ còn phải có cả kiến thức về âm nhạc và đôi tai phải có độ thẩm âm tinh tế để nắm bắt được các biến tấu của thanh âm”, ông Nguyễn Văn Hưởng (53 tuổi) – người làm kèn hơn 30 năm tại làng Phạm Pháo - cho biết.

Người làm kèn phải thật khéo léo, tỉ mỉ chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo ông Hưởng, chất liệu làm kèn trong đó có lá đồng phải nhập của Nga hoặc Hàn Quốc mới làm ra chiếc kèn bền đẹp. Những lá đồng sẽ được cán phẳng, sau đó gò bằng tay và dùng máy uốn tự để tạo thành những chiếc kèn.

Với người dân làng Phạm Pháo, tiếng kèn trở nên thân thuộc trong cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh bởi từng công đoạn rất kỳ công, tỉ mỉ và đảm bảo yêu cầu của kèn một cách chuẩn xác”, ông Hưởng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn