MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ đàn ông đến phụ nữ, người lớn đến trẻ em ở làng nghề Báo Đáp (tỉnh Nam Định) đều có thể tham gia làm đèn ông sao. Ảnh: V.M

Nam Định: “Thủ phủ” đèn Trung thu lớn nhất cả nước tất bật vào mùa

VŨ MỪNG LDO | 31/07/2022 19:15
Nam Định - Nằm cách TP.Nam Định chưa đầy 10km, thôn Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao truyền thống.

Nơi Tết Trung thu luôn ghé thăm sớm nhất

Thời điểm trước Tết trung thu 1 tháng, ai có dịp ghé thăm ngôi làng này sẽ thấy cực kỳ ấn tượng với những khoảng sân nhỏ đầy ắp những chồng đèn ông sao lên tới hàng trăm, hàng ngàn chiếc lung linh trong nắng. Hình ảnh những cụ già mải mê ngồi cắt sợi, đôi bàn tay thoăn thoắt ngồi phết hồ dán cùng lũ nhỏ, hay sự tỉ mỉ của những chàng thanh niên khi cuốn dây kim tuyến làm thành vòng tròn của chiếc đèn dần trở thành nét riêng đặc biệt của mảnh đất này.

Những nguyên liệu làm đèn ông sao khá đơn giản. Ảnh: V.M

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghề làm đèn ông sao đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Ở thời điểm đó, hợp tác xã đứng ra quản lý, tổ chức các xã viên sản xuất và giới thiệu sản phẩm. Đến năm 1973 - 1974, tuy không còn ai quản lý, nhưng người dân vẫn miệt mài giữ nghề rồi đưa thôn Báo Đáp trở thành “thủ phủ” đèn ông sao lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, cả làng vẫn có tới hàng chục hộ gia đình chuyên làm đèn ông sao.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề làm đèn, anh Đỗ Tuấn Linh (trú xóm 8, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang) - tâm sự: “Hiếm có miền quê nào của tỉnh Nam Định lại được đón tết Trung thu sớm như ở Báo Đáp. Cách Rằm tháng Tám chừng một tháng, thương lái đã đổ về gom hàng. Ai yêu thích đồ chơi Trung thu truyền thống mà tìm về đây thì đều được coi là người nhà”.

Về đến làng nghề Báo Đáp là thấy Trung thu. Ảnh: V.M

Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm có tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Không giống như các sản phẩm khác, đèn ông sao của làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công. 

Để làm được một chiếc đèn ông sao thì ban đầu người thợ phải xác định được kích thước của đèn, sau đó bắt đầu lên  khung, dán giấy bóng kính và sau cùng là vẽ trang trí. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.  

Cũng theo anh Linh, để làm ra những chiếc đèn ông sao đẹp, bắt đầu từ tháng Giêng, người dân thôn Báo Đáp phải tìm mua những cây nứa, cây vầu từ khắp các tỉnh như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn… Rồi phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”. Có như thế nan đèn mới có đủ độ dẻo, khi uốn chiếc đèn sẽ căng phồng, không bị gãy. 

Quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống

Đèn ông sao được chia làm 3 loại, loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do kích cỡ đèn khác nhau nên khi chẻ nan, người thợ phải phân loại rõ ràng.

Phần vòng ngoài cùng của đèn được làm từ những nan tre mảnh được quấn tua rua giấy nhuộm các màu tươi sáng, rực rỡ. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa mà cánh không bị bong. 

Đợi những hôm nắng to, người Báo Đáp thường đưa đèn ra hong nắng, để sản phẩm của mình thêm đẹp, thêm bóng. Nào đèn to, đèn nhỏ, đèn xanh, đèn vàng... đủ màu sắc sặc sỡ được dàn ra cả khoảng sân trước nhà thẳng đều tăm tắp. Đôi khi người ta còn thấy chúng nằm vắt vẻo trên bờ rào hay đong đưa trên những sợi dây chăng bên giếng nước.

Năm nay, đèn ông sao của làng Báo Đáp lại đắt khách như trước giai đoạn có COVID-19. Ảnh: V.M

Nhưng điều khiến người ta phải lưu luyến nhiều nhất có lẽ là hình ảnh những chiếc xe đạp của các mẹ, các chị chầm chậm tiến ra đường quốc lộ với hàng chục chiếc đèn rực rỡ buộc ở phía sau. Mỗi chuyến xe đi hàng lại thấy Trung thu về gần thêm một đoạn. 

Hai năm vừa qua, dịch COVID-19 đã khiến cho chiếc đèn ông sao của Báo Đáp “chật vật” tìm đầu ra. Nhưng năm nay thì khác, thương lái đã về từng nhà tìm mua đèn để vận chuyển đi các tỉnh phía Nam, khiến những người còn nặng lòng với Tết Trung thu truyền thống vô cùng hứng khởi. 

Bà Nguyễn Thị Xu người dân trong thôn kể, với gần chục người trong gia đình cùng làm, mỗi mùa Trung thu gia đình bà sản xuất và bán ra được khoảng 10.000 - 30.000 chiếc đèn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Có những năm số sản phẩm của toàn thôn lên tới 2 triệu chiếc cung cấp đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. 

Bà Xu chia sẻ: “Tết Trung thu mà vắng đi hình ảnh chiếc đèn ông sao thì không còn là Trung thu nữa! Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ gắn bó với nghề và coi đó như tài sản vô giá của cha ông để lại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn