MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm Sửu, kể chuyện về đôi trâu kéo pháo chiến lợi phẩm trận Tầm Vu

TRẦN LƯU - THÀNH NHÂN LDO | 12/02/2021 08:00
Câu chuyện về đôi trâu kéo pháo ở trận Tầm Vu IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay đã trở thành một huyền thoại.

Từ khẩu pháo lịch sử

Từ sau năm 1945, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ đã bắt đầu lớn mạnh. Quân và dân với lối đánh du kích hiệu quả, đã nhiều lần gây tổn thất nặng nề cho quân địch, và tạo nên những trận đánh oanh liệt. Tại chiến trường Hậu Giang, từ năm 1946-1948, trên Quốc lộ 61, đoạn Cái Tắc - Rạch Gòi chưa đầy 5km đã diễn ra 4 trận đánh lớn với những chiến công quả cảm của quân và dân ta, được gọi theo thứ tự là trận Tầm Vu I, II, III và IV. Trong đó, oanh liệt nhất là trận Tầm Vu IV.

Chiều ngày 19.4.1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ trưởng Trần Văn Giàu, bằng chiến thuật vận động, chiếm đánh, quân và dân ta đã tiêu diệt 14 xe quân sự địch, giết chết gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là thu được khẩu pháo 105 ly.

Khẩu pháo 105 ly lịch sử được trưng bày tại khu di tích chiến thắng Tầm Vu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TR.L

Trong những ngày đầu kháng chiến, quân và dân ta sử dụng những vũ khí rất thô sơ, có khi chỉ là tầm vông, giáo mác. Thế nên, việc thu được một khẩu pháo 105 ly ở thời điểm đó là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, đây là khẩu pháo lần đầu tiên ta thu được trong kháng chiến, đã làm vang dội khắp chiến trường Đông Dương.

Khu di tích chiến thắng Tầm Vu trưng bày nhiều hiện vật và hình ảnh về trận đánh lịch sử Tầm Vu IV. Ảnh: TR.L

Sau khi giành được chiến thắng, quân ta đốt xe địch thu toàn bộ chiến lợi phẩm, nhưng khẩu pháo nặng đến hàng tấn, trong khi địa thế vùng ĐBSCL có rất nhiều sình lầy, nên việc đưa khẩu pháo về nơi an toàn gặp rất nhiều khó khăn.

Mô hình tái hiện lại hình ảnh quân dân và đôi trâu đang ra sức kéo pháo. Ảnh: TR.L.

Tình thế trở nên cấp bách, vì nếu quân Pháp quay lại sẽ rất nguy hiểm. Lúc này, mọi người nảy ra ý tưởng nhờ đến sức trâu để kéo pháo. Ngay lập tức, trung đoàn trưởng khi đó là ông Ngô Hồng Giỏi đã vào xóm nhờ mượn đôi trâu, và được gia đình nông dân Võ Văn Chót đồng ý.

Tượng đài chiến thắng và bức phù điêu phác họa lại hình ảnh đôi trâu kéo pháo trận đánh Tầm Vu IV. Ảnh: TR.L.

Ông Nguyễn Văn Tấn, người phụ trách thuyết minh tại khu di tích chiến thắng Tầm Vu kể: “Lúc bấy giờ, ở vùng ĐBSCL, trâu là sức kéo chiến lược, có thể vận chuyển mọi loại hàng hóa qua khắp các địa hình. Nên mọi người nảy ra ý tưởng mượn sức trâu để kéo pháo. Sau khi mượn được đôi trâu, quân và dân ta cùng ra sức kéo. Nhưng do khẩu pháo quá nặng, một con trâu đã bị đứt ruột chết tại chỗ. Con trâu còn lại cùng với người dân tiếp tục kéo pháo. Sau cùng, bộ đội ta cũng đưa được khẩu pháo này về căn cứ an toàn. Tuy nhiên, 2 ngày sau, con trâu còn lại cũng nằm chết bên đồng ruộng sau khi hoàn thành sứ mệnh được xem là lịch sử”.

Hình ảnh tư liệu ghi lại cảnh quân và dân ta đưa thành công khẩu pháo xuống ghe. Tuy nhiên, đôi trâu đã bị mất do kiệt sức. Ảnh: TR.L.

Huyền thoại đôi trâu ngay ngày cưới…

Năm 1991, di tích chiến thắng Tầm Vu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, sau đó, tỉnh Hậu Giang đã cho xây dựng khu di tích, trong đó nhiều mô hình, hiện vật đã được tái hiện về trận đánh lịch sử tầm vu, đặc biệt là hình ảnh đôi trâu kéo pháo. Vào năm năm 1995, họa sĩ Tô Dự trong niềm xúc động đã vẽ một bức tranh phác họa lại hình ảnh quân dân ta và đôi trâu đang ra sức kéo pháo sau trận đánh oanh liệt.

Bức tranh của họa sĩ Tô Dự phác họa lại hình ảnh quân dân ta và đôi trâu đang ra sức kéo pháo. Ảnh: TR.L

Ông Võ Văn Chót - người mà năm xưa đã cho bộ đội mượn đôi trâu kéo pháo - đã qua đời vào năm 2008. Giờ đây, mỗi khi có khách đến nhà, ông Võ Bạch Đằng (con trai ông Chót) luôn vui cười, niềm nở và hạnh phúc, vì có dịp được kể lại những ký ức hào hùng trong trận đánh, mà gia đình, cha mẹ ông đã góp sức để làm nên một huyền thoại.

Ông Võ Bạch Đằng (con trai ông Võ Văn Chót) kể lại câu chuyện mượn trâu huyền thoại năm xưa. Ảnh: TR.L.

Ông Đằng tâm sự: “Hôm diễn ra trận đánh cũng là ngày mà cha mẹ tui đang đám cưới. Lúc đó, ông Ngô Hồng Giỏi đến nhà mượn đôi trâu, cha tui liền bỏ tiệc cưới chạy ra tìm đôi trâu khỏe nhất cho bộ đội mượn kéo pháo”.

Một bài báo xuất bản vào năm 2003, thời điểm ông Võ Văn Chót vẫn còn sống kể về trận đánh Tầm Vu IV và câu chuyện đôi trâu kéo pháo. Ảnh: TR.L.

Ngày đó, máy móc công nghệ chưa phát triển; con trâu là tài sản quý giá đối với mọi nhà. Nhưng gia đình ông vẫn chấp nhận sự mất mát, để góp một phần sức vào công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dù cha ông không trực tiếp cầm súng ra trận. Suốt mấy thế hệ, gia đình ông sống bằng nghề nuôi trâu. Trâu giúp gia đình cày bừa, hoặc cho người khác thuê cũng là để chăm lo việc đồng áng.

Sau trận Tầm Vu IV, thực dân Pháp điên cuồng cho quân đi càn quét. Chúng lần theo dấu chân trâu, cứ gặp con trâu nào trên ruộng là bắn giết, vậy là nhà ông lại mất thêm 5-6 con trâu nữa.

Bằng khen có thành tích trong kháng chiến chống Pháp của gia đình ông Võ Văn Chót. Ảnh: TR.L.

Giờ đây, ruộng đồng đã được cơ giới hóa, sức máy đã thay cho sức người, và hình ảnh con trâu đang dần mất hút trên đồng ruộng. Nhưng trong tâm thức của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, hình ảnh con trâu vẫn không hề phai nhạt. Con trâu đã giúp dân làm ra chén cơm hạt gạo, mang lại cuộc sống đủ đầy; và xa hơn là góp công vào cuộc kháng chiến dân tộc; mà ở đó, huyền thoại về đôi trâu kéo pháo trong trận Tầm Vu là một điển hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn