MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

AVG chưa đàm phán với VPF về bản quyền truyền hình

LDO | 29/12/2011 00:28
Chiều 28.12, AVG đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí khẳng định: "Nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao Hợp đồng đã ký với AVG cho công ty VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình"...

Và chỉ sau khi AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận bằng văn bản về việc công ty VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng như nội dung các yêu cầu này của AVG thì VPF mới bắt đầu được tham gia chính thức thực hiện việc đàm phán các nội dung có liên quan tới Hợp đồng đã ký.

Trước đó, VPF đã chính thức đưa ra yêu cầu giảm thời hạn hợp đồng và tăng mức phí sàn đối với bản quyền truyền hình các giải đấu công ty này quản lý với AVG. Đồng thời VPF muốn thương thảo với AVG về hai nội dung: VPF muốn tách riêng hợp đồng bản quyền các giải đấu do họ tổ chức và với những hợp đồng này, VPF chỉ muốn thời hạn là ba năm, có giá trị tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Cuộc chiến bản quyền truyền hình mới chỉ bắt đầu

Tuy nhiên, AVG không chấp nhận việc VFF đơn phương chuyển giao hợp đồng bản quyền truyền hình Ngoại hạng và hạng Nhất lại cho VPF, không coi VPF là đối tác đàm phán. Liên quan tới đề xuất của VFF về chuyển giao việc thực hiện Hợp đồng cho công ty VPF, AVG đã có văn bản khẳng định:

Thứ nhất, AVG chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới Hợp đồng và đàm phán với VFF về việc này khi VFF cam kết và bảo đảm VFF vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong Điều lệ của VFF và trong Hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG, đồng thời VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong Hợp đồng.

Thứ hai, AVG yêu cầu VFF và các bên có liên quan khác (trong trường hợp này là công ty VPF) tiếp tục thực hiện đúng theo các nội dung của Hợp đồng đã ký cho tới khi có thỏa thuận khác được thống nhất giữa các bên. Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì.

Thứ ba, chỉ sau khi AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận bằng văn bản về việc công ty VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng như nội dung các yêu cầu này của AVG thì VPF mới bắt đầu được tham gia chính thức thực hiện việc đàm phán các nội dung có liên quan tới Hợp đồng đã ký.

Thứ tư, mọi thỏa thuận của VFF với VPF có liên quan tới Hợp đồng đã ký với AVG cần được cung cấp dự thảo bởi VFF cho AVG trước khi VFF tiến hành ký kết, ra các văn bản chính thức liên quan.

Thứ năm, công ty VPF phải có văn bản cam kết tôn trọng và thực hiện nghiêm túc theo các nội dung của Hợp đồng đã ký bởi VFF và AVG, đặc biệt là phần nhận lại để cùng thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau khi chuyển giao (nếu có việc chuyển giao). Việc này cần thực hiện trước khi VPF tham gia vào Hợp đồng với tư cách là đối tác cùng chịu trách nhiệm thực hiện Hợp đồng với VFF.

Thứ sáu, sau khi có một thỏa thuận mới ba bên giữa AVG, VFF và công ty VPF, Ban lãnh đạo công ty VPF sẽ được quyền tiếp cận các nội dung của Hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao Hợp đồng đã ký với AVG cho công ty VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

AVG bày tỏ sự tôn trọng với VFF và mong rằng các bên sẽ sớm ngồi lại để bàn thảo các vấn đề có liên quan, sau khi các điều kiện nêu trên đã được đảm bảo.

Như vậy, cuộc đấu xung quanh bản quyền truyền hình mới chỉ mới bắt đầu và có thể sẽ kéo dài.

Cũng tại buổi họp, AVG đã gửi công văn tới Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Truyền hình Kỹ thuật số - VTC và các đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh thành phố trong cả nước, nêu rõ: trong khi các thay đổi về cách thức tổ chức và điều hành các Giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam chưa được làm rõ, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức thể thao của đông đảo khán giả xem truyền hình.

AVG phát sóng miễn phí hai trận khai mạc đá hạng Nhất 2012 và giải bóng đá Ngoại hạng 2012. AVG sẵn sàng chia sẻ miễn phí bản quyền phát sóng và đề nghị các đài truyền hình tiếp sóng nguyên vẹn cả hai trận đấu khai mạc giải bóng đá hạng Nhất 2012 và giải bóng đá Ngoại hạng 2012. AVG sẽ không thu các loại chi phí có liên quan như: phí bản quyền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, chi phí sản xuất từ 90 triệu đồng đến 110 triệu đồng và chi phí truyền dẫn từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

 Hoa Vình

Gợi ý dành cho bạn