MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến vụ thu hoạch, công việc của anh Hà suốt ngày mưu sinh trên ngọn cây cau. Ảnh: Tiến Thoại

Nam thanh niên ở Đắk Lắk suốt ngày mưu sinh trên... ngọn cây cau

Tiến Thoại LDO | 11/07/2023 10:37

Nhiều năm qua, cứ vào đợt thu hoạch, anh Nguyễn Văn Hà (32 tuổi), trú tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) suốt ngày mưu sinh trên ngọn cây cau. Anh Hà được mọi người ví nhanh như sóc, bởi mỗi ngày anh có thể leo trèo cả trăm cây cau, hái gần 1 tấn quả để mang về bán cho các vựa cau.

Mưu sinh trên ngọn... cây cau

Thành phố Buôn Ma Thuột là nơi có nhiều vườn cau được trồng tập trung hoặc trồng xen ở rẫy vườn cà phê, hồ tiêu. Đa phần các vườn cau đều có tuổi đời hơn 10 năm, chiều cao trung bình từ khoảng 15 - 17m.

Những vườn cau cao chót vót tại xã Hòa Thắng. Ảnh: Tiến Thoại

Để mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống, hằng ngày anh Nguyễn Văn Hà phải “đánh đu” trên ngọn hàng trăm cây cau để hái trái, đem về nhập cho các vựa sấy cau trên địa bàn.

Theo anh Hà, anh đã theo nghề trèo cau được 9 năm. Khi mới vào nghề, vợ anh thấy leo trèo nguy hiểm nên lo lắng, không cho làm.

Tuy nhiên, vì không có việc làm ổn định, công việc không có nhiều người làm nên anh đã động viên vợ để được bám trụ, mưu sinh, trang trải cuộc sống.

Để leo cau, Hà chỉ sử dụng mỗi chiếc bao tải cuộn thành vòng tròn ở chân. Ảnh: Tiến Thoại

Khi leo lên trên những cây cau có độ cao khoảng 15 - 17m anh Hà chỉ sử dụng mỗi chiếc bao tải buộc thành vòng tròn ở đôi bàn chân.

Với chiếc vòng bằng bao tải ấy, anh Hà thoăn thoắt đưa mình từ dưới đất leo lên đến ngọn cây nhanh như một con sóc. Ở trên ngọn cau, anh cũng chỉ mất vài giây để cắt buồng cau rồi tuột xuống đất.

“Một ngày nếu cố gắng leo trèo cũng được khoảng hơn 100 cây cau và hái được gần 1 tấn quả. Mỗi chiếc vòng bao tải cũng được sử dụng để hái khoảng 1 - 1,5 tấn cau sẽ mòn và phải thay dây khác để giảm nguy cơ rủi ro” - anh Hà chia sẻ.

Mỗi ngày Hà phải leo khoảng 100 cây cau, thu về khoảng 1 tấn quả để bán lại cho các vựa cau. Ảnh: Tiến Thoại

Có khoảng 30 "mối ruột" để thu mua cau

Anh Hà cho rằng, nghề hái cau vất vả hơn lao động bình thường và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đổi lại tiền công từ việc hái cau cũng tương đối xứng đáng với công sức anh Hà bỏ ra.

Theo anh Hà, mỗi ngày, anh có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng để lo cho gia đình.

Ngoài việc hái cau, đem về bán cho các vựa, anh Hà còn nhận trèo thuê cho các chủ vựa khi họ thu mua vườn lớn, thiếu nhân công. Mùa thu hoạch cau bắt đầu từ khoảng tháng 7 cho đến cuối năm.

Mỗi cây cau Hà leo có chiều cao từ 15 - 17m. Ảnh: Tiến Thoại

Cũng theo anh Hà, nghề trèo cau, quan trọng nhất là ở dưới đất nhưng phải nhìn và đoán được trái ở trên ngọn. Nếu không có kinh nghiệm, khi trèo lên nhưng cau chưa hái được sẽ phải xuống tay không và rất mất sức.

Hơn thế, người leo cau phải có sức khỏe, phải có cơ tay và cơ chân tốt, nếu không sẽ không leo được.

Hà leo cây nhanh như sóc. Ảnh: Tiến Thoại

Để có những “mối ruột”, khi hái cau, anh Hà phải dọn sạch cả các buồng cau lép không có giá trị ở trên ngọn. Việc dọn các buồng cau lép sẽ giúp cây cau không mất sức, mùa sau sẽ sai quả hơn, tạo cảm tình với chủ vườn.

“Hiện tôi đã có khoảng 30 “mối ruột”. Đó là các chủ vườn cau tương đối lớn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột” - anh Hà phấn khởi chia sẻ.

Một chủ vườn cau giúp Hà tập kết cau đã hái xuống. Ảnh: Tiến Thoại

Ông Nguyễn Đức Thanh, chủ một vườn cau tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết anh Hà đã thu mua vườn cau của ông 6 năm nay.

“Anh Hà leo trèo giỏi. Vườn cau 200 cây của tôi, anh Hà chỉ leo hai trong 2 ngày là xong. Khi thu mua, anh Hà cũng dọn sạch các buồng cau xấu, trái lép cho tôi. Thấy quý anh Hà, mùa cau nào cũng gọi cậu ấy tới thu hoạch” - ông Thanh kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn