MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm Tuất nhớ “bạn” ở đảo Trường Sa

Bình An LDO | 21/02/2018 06:51

Một hình ảnh dường như thân thuộc với những ai đã đến với Trường Sa là đàn chó ùa ra mừng vui chào đón khi ta đặt chân lên đảo, cùng ánh xa xăm níu kéo như muốn gởi gắm điều gì đó cho người đất liền khi bước chân lên tàu rời đảo. Giữa sóng gió trùng khơi với quân dân Trường Sa những chú chó trên đảo như một người bạn thân thiết, ruột thịt.

Giúp bộ đội giữ đảo

Những ngày cận Tết, chúng tôi theo đoàn công tác ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) mang mùa xuân cho quân dân trên đảo. Sau nhiều giờ vượt sóng những ngày bão nổi chúng tôi nhìn thấy ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây. Tàu thả neo cũng là lúc Song Tử Tây hiện ra một rõ ràng hơn.

Sau hồi "quá giang" bằng xuồng cao tốc chúng tôi cũng đặt chân lên đảo. Lúc này hàng chục chú chó to khỏe và mập mạp ùa ra "chào" khách. Cả đàn dàn hàng vẫn đuôi đón khiến anh em "say sóng" tỉnh hẳn. "Ở đây những chú chó luôn được bộ đội và người dân chăm sóc hết sức chu đáo. Mỗi bữa ăn các chú chó đều có một khẩu phần nhất định, vì thế các chúng luôn quấn quýt anh em bộ đội mỗi ngày", một anh lính cho biết.

Thế rồi đàn chó theo chân chúng tôi đi vào trong đảo. Theo các anh bộ đội trên đảo, đàn "lính dẫn đường đặc biệt" này được đưa từ đất liền ra đảo cách đây cả chục năm. Ban đầu chỉ vài con nhưng dần dà chúng thích ứng dần được điều kiện khí hậu rồi sinh sản đông đúc hơn.

Anh Nam, ra đảo được 6 tháng kể "ở đảo có bọn hắn làm bạn, tụi em mới ra nhớ nhà nhưng dần dà cũng qua. Không chỉ thế với khả năng đặc biệt, những chú chó được huấn luyện đặc biệt nhất chính là "đồng đội" cùng bọn em canh giữ đảo".

Chăm chó như "con"

Đến khu vực đảo Đá Nam, một đảo chìm trong quần đảo Trường Sa. Xuồng cập đảo thì trời đã nhá nhem tối. Quanh đảo mấy chú chó chạy đi chạy lại, quấn quýt như những đứa trẻ khi thấy người thân về nhà. Chốc chốc lại có chú chó sủa lên vài tiếng chào khách.

"Anh thấy đấy, là đảo chìm với sóng gió quanh năm nhưng những chú chó vẫn không ngừng sinh trưởng và rất khỏe mạnh. Hiện tại đảo chúng tôi có tới gần 40 con chó, và chỉ ít ngày nữa thôi đảo chúng tôi sẽ chào đón thêm những chú chó được sinh ra trên đảo bởi con chó mẹ đã 5 năm tuổi này", một cán bộ trên đảo chỉ cho biết.

Đàn chó ở đảo Đá Nam đang chờ khách từ đất liền đến thăm đảo.
Và để chuẩn bị cho chú chó mẹ sắp sinh, một chiếc ổ xinh xắn, ấm cúng nằm ngay cạnh nhà kho nhỏ trên đảo chìm đã được lót ổ. "Vui nhất là khi đàn cún con lứa đầu ra đời ai cũng khấp khởi mừng chuẩn bị nào túi nào dành sữa nào đồ ăn chào đón thành viên mới gia nhập đảo"- anh lính Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Theo bộ đội trên đảo thì không phải năm nào những chú chó đều phát triển thuận lợi như năm đó vì có năm bệnh tật cũng đã khiến những chú chó bị giảm số lượng nghiêm trọng. Năm 2010, do thời tiết quá khắc nghiệt anh em trên đảo tìm mọi cách chăm nhưng nhiều chú chó vẫn đổ bệnh. Chứng kiến cảnh đó bộ đội trên đảo điện vội về đất liền thông báo tình trạng bệnh và yêu cầu được mang thuốc ra chữa trị cho đàn chó.

"Vào mùa hè các chú chó còn theo chúng tôi đi thả lưới bắt cá ngoài rặng san hô. Ở đây các chú chó đều bơi rất giỏi, những ngày vừa qua bão đổ bộ quật ngang dọc anh em lo chống đỡ đàn chó theo theo chân tìm nơi trú ẩn, không có con nào dám xuống biển nếu không nghe hiệu lệnh"- binh nhất Nguyễn Văn Tài quê ở Vĩnh Phúc nói thêm.

Và để những chú chó được sinh ra không cận huyết thống, cứ vài tháng hoặc 1 năm giữa các đảo lại có sự hoán đổi những con chó đực. Hôm chúng tôi ra đảo cũng là lúc hai chú chó đực to, mập màng có lông vàng sẫm và mượt đã được đưa vào lồng để hoán đổi cho đảo Đá Thị, cách đó chỉ vài hải lý. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là, ai cũng có thể chạm vào được những chú chó nơi đây. Kể cả khi bị nhốt vào một chiếc lồng màu xanh, hai chú chó đực vẫn hết sức ngoan ngoãn và nghe lời. Có lẽ các chú chó hiểu được "nhiệm vụ" của chính mình khi chuẩn bị đến đầu quân cho một điểm đảo mới.

Và những chuyện xúc động

Trong chuyến công tác tại nhà giàn DK1, câu chuyện với anh lính có thâm niên canh giữ nhà giàn DK1 tên Hùng cứ đọng mãi. Thời điểm đó phương tiện kỹ thuận không tân tiến như bây giờ và các nhà giàn không phải điểm nào cũng có trực thăng hạ, cất cánh. Vì thế việc tiếp tế lương thực cho bộ độ trên nhà giàn rất khó khăn. Tất cả đều được chuyển đến bằng các tàu lớn. Cũng như những đảo chìm, đảo nổi, bộ đội canh giữ nhà giàn DK1 đều nuôi chó vừa làm bạn vừa giữ nhà.

"Năm đó lương thực dần cạn. Và để có bữa ăn cho bộ đội, cán bộ nhà giàn cuối cùng cũng đi đến một quyết định khó khăn đó là làm thịt một chú chó.Vậy mà khi thịt xong ai nấy đều ôm nhau khóc"- lời Hùng kể lúc đó.

Những ngày cuối năm 2017, bão dập dồn đi qua quần đảo Trường Sa, câu chuyện chú chó cứu bà con ngư dân giữa bão dẫn đường cho tàu cập bến hay cứu bộ đội bị thương ...Nhà giàn DK1 nằm rải rác bên những con sóng những chú chó vẫn bám trụ quanh nhà giàn nhỏ hẹp như thế nhưng chẳng bao giờ bị rơi xuống biển.

Một anh bộ đội tiết lộ với tôi rằng, đó không chỉ là khả năng đặc biệt của loài chó mà còn là những bài học, huấn luyện thường ngày đã giúp những chú chó luôn giữ một vai trò đặc biệt. "trong những con vật như vịt, gà, lợn và chó thì những chú chó lại có một vai trò đặt biệt. Bởi chúng luôn gần gũi và gắn bó với con người. Không những thế chúng còn có thế phân biệt được đâu là bạn và đâu là thù".

Và như lời thơ của một người lính không quân - anh Hoàng Hải Lý đã viết về những chú chó ở Trường Sa: "Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá/Thương những đêm tao và mày đứng gác/ Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác/ Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ/Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ/Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ/ Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ/ Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay". Mỗi mùa xuân mới với người ra thăm và người ở lại hình ảnh những chú chó kiên trung vẫn luôn dõi theo đất liền luôn làm ta nôn nao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn