MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Bình hiện có nhiều dự án đường đang vướng mắc trong việc đấu nối vào Quốc lộ và dự án BOT. Ảnh: Công Sáng

Nan giải bài toán đấu nối đường vào Quốc lộ và dự án BOT ở Quảng Bình

CÔNG SÁNG LDO | 19/06/2024 11:30

Quảng Bình hiện có nhiều tuyến đường đang vướng mắc trong việc đấu nối vào Quốc lộ và dự án BOT. Để giải được bài toán khó này cần sự vào cuộc của bộ, ngành Trung ương lẫn địa phương.

Người dân ngóng đợi

Người dân ở quanh tuyến đường Điện Biên Phủ từ cầu Nhật Lệ 2 (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đến đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố ngao ngán, khi đường đã xây dựng với quy mô hoành tráng nhưng đến nay vẫn chưa được đấu nối do vướng dự án BOT.

Tuyến này có bề rộng nền đường 36m, tổng mức đầu tư 165 tỉ đồng, hoàn thành cơ bản các hạng mục vào ngày 30.6.2023. Dự án nằm trong quy hoạch xây dựng tuyến đường ngang bắt đầu từ đường mòn Hồ Chí Minh, kéo dài thông suốt đến cầu Nhật Lệ 2, mở rộng không gian phát triển của TP Đồng Hới theo chiều Đông - Tây.

Chị Hoàng Thị Xuân (39 tuổi, ở TP Đồng Hới) chia sẻ, mỗi lần di chuyển từ xã Đức Ninh (TP Đồng Hới) về cầu Nhật Lệ 2 phải đi đường vòng, kéo dài thời gian. “Chỉ mong sao dự án nhanh được đấu nối, người dân dễ dàng trong quá trình đi lại. Rút ngắn được khoảng thời gian di chuyển” - chị Xuân mong ngóng.

Đây chỉ là một trong nhiều vướng mắc trong việc đấu nối vào đường Quốc lộ và BOT tại tỉnh Quảng Bình, nhiều dự án khác vẫn đang “nằm chờ” để được nhập đường.

Vừa qua, tại cuộc họp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã có những kiến nghị, đề xuất về những khó khăn trong thủ tục đấu nối một số tuyến giao thông huyết mạch như trục Đông - Tây, dự án Cầu Nhật Lệ 3, dự án đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Bình…

Ông Thắng cho rằng, những vướng mắc này gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, các công trình của quốc gia. Địa phương mong muốn có phương án kết nối nhằm giúp đồng bộ giữa quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng hiệu quả.

Tỉnh Quảng Bình đề nghị, nhiều dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, quyết định đầu tư có nhu cầu đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp với các tuyến đường BOT này đang gặp vướng mắc, không thể thực hiện được.

Tuyến đường Điện Biên Phủ từ cầu Nhật Lệ 2 (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đến đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố đang vướng trong quá trình đấu nối. Ảnh: Công Sáng

Tìm tiếng nói chung

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tích cực tổ chức buổi làm việc để xử lý các điểm đấu nối, bao gồm cả việc đấu nối trực tiếp vào tuyến đường BOT và đấu nối gián tiếp thông qua đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tuy nhiên, nhà đầu tư không thống nhất do các điểm đấu nối làm thất thoát lưu lượng, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án BOT.

“Vì vậy, nhiều vị trí đấu nối bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan được phân cấp xem xét thỏa thuận. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có phương án xử lý với nhà đầu tư để các dự án của tỉnh sớm được thỏa thuận đấu nối, có cơ sở triển khai thực hiện” - tỉnh Quảng Bình kiến nghị.

Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì họp với tỉnh Quảng Bình và Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh để giải quyết các vướng mắc liên quan.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà đầu tư, việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ BOT có thể làm phân tán lưu lượng dẫn đến giảm doanh thu, phá vỡ phương án tài chính, phương án thu hồi nợ của ngân hàng cho vay đầu tư. Như vậy sẽ dẫn đến khả năng cơ quan Nhà nước phải bồi thường do vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư.

Do tính chất phức tạp của hợp đồng BOT, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp cùng UBND các tỉnh cân nhắc lợi ích và hiệu quả để chọn phương án phù hợp, hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Mặt khác, sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu ý kiến nêu trên của tỉnh Quảng Bình và ý kiến của nhà đầu tư, về việc đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp với các tuyến đường BOT trên quốc lộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn