MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nan giải bài toán xử lý nước thải công nghiệp ở Quảng Nam

Hoàng Bin LDO | 16/03/2024 07:14

Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Quảng Nam chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.

Thiếu hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Tính đến năm 2023, tỉnh Quảng Nam chỉ có 4/51 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động xây dựng được hệ thống xử lý nước thải gồm CCN An Lưu (Điện Bàn), CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình), CCN Trường Xuân 1 (TP Tam Kỳ) và CCN - tiểu thủ công nghiệp (Núi Thành), hầu hết quy mô tương đối nhỏ.

Trả lời Báo Lao Động, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với các CCN trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là tỉnh đầu tư hạ tầng.

Nhà xử lý nước thải KCN, CCN có chi phí vận hành lớn nên cần nhiều doanh nghiệp đấu nối, sử dụng để bù vào chi phí vận hành. Ảnh Khu xử lý nước thải KCN Tam Thăng 2 tại Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Bin.

“Đa phần các CCN này quy mô rất nhỏ, chỉ có vài chục hecta. Tuy đã có đầu tư hệ thống xử lý nước thải (ở 4 CCN), nhưng do số lượng doanh nghiệp ít, các nhà máy xử lý nước thải yêu cầu cao, nên chưa phát huy được hiệu quả” - ông Lê Trí Thanh nói.

Thực tế, việc thiếu hệ thống xử lí nước thải tại CCN không chỉ hạn chế thu hút doanh nghiệp đầu tư mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường chung tại các CCN. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp đã vi phạm về vấn đề môi trường.

Tại huyện Duy Xuyên, liên tục trong 3 năm từ 2021 đến 2023, chính quyền địa phương liên tục phát hiện một số doanh nghiệp tại CCN Tây An xả nước thải chưa qua xử lí ra môi trường; đã xử phạt vi phạm hành chính, buộc dừng hoạt động đối với 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Không đủ chi phí vận hành nhà máy xử lý nước thải

Theo Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 10/14 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư 81.302 tỉ đồng (tương đương 3,74 tỉ USD).

Hầu hết KCN đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải (ngoại trừ KCN Thuận Yên), đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tỷ lệ lấp đầy diện tích đất KCN của tỉnh trung bình chỉ đạt 45%, nên nhiều nhà máy xử lý nước thải tại KCN thu không đủ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống.

KCN Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam hiện có 24 dự án với tỷ lệ lấp đầy cao so với cả tỉnh (72%). Ảnh: Hoàng Bin

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đối với các KCN hiện nay đã có các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng. Họ là người trực tiếp đầu tư, quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng các nhà máy xử lý nước thải ở các KCN đó.

Chủ đầu tư phải tính toán để làm sao giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng thu hút doanh nghiệp và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của họ. Mỗi nhà máy xử lý nước thải có lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tại đó để Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát”.

Đối với bất cập tại các CCN, hiện tỉnh đang rà soát lại, CCN nào thực sự cần thiết phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, thì phải tập trung mở rộng CCN đó, đảm bảo công suất hoạt động, tính hiệu quả vận hành của các khu xử lý nước thải.

Còn CCN nghiệp nào chỉ có một vài nhà máy, thì không nhất thiết phải đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, mà yêu cầu các nhà máy đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn khi xả thải ra môi trường.

“Việc này đang được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương đánh giá lại sao cho phù hợp nhất, trên nguyên tắc dù có làm nhà máy xử lý hay không thì phải đảm bảo các CCN không gây ô nhiễm đến môi trường" - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến công bố ngày 16.3, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% các CCN không gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn