MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm y tế thị trấn Khâm Đức (Quảng Nam) vắng người đến khám. Ảnh: H.Nhân

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Không để tuyến trên quá tải, dưới bỏ không! Trạm y tế hết dịch là "ế"

Nhóm PV LDO | 20/01/2022 20:00
Người dân tại các thành phố, các vùng trung tâm khi có bệnh, ốm đau hầu hết không đến trạm y tế xã, mà thường là các bệnh viện tuyến... càng cao càng tốt. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 bùng phát, y tế cơ sở lại là nơi... quá tải nhất khi phải đương đầu một khối lượng công việc khổng lồ, trong khi lực lượng rất mỏng. 

Người bệnh thiếu tin tưởng ở trạm y tế

Tại Thủ đô Hà Nội - nơi tập trung dày đặc hệ thống bệnh viện tuyến trung ương, tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa... các trạm y tế xã trở thành nơi chỉ để phun thuốc khử khuẩn, thuốc diệt muỗi khi có dịch sốt xuất huyết, để tiêm vaccine hay cao hơn là cấp phát thuốc bảo hiểm y tế. Khi người dân mắc bệnh, trạm y tế không phải là lựa chọn đầu tiên của họ.

Buổi tối nọ, ông Giang Văn Hà (xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội) - một người đang khỏe mạnh, thấy đột nhiên người nóng lên, tự đo huyết áp thấy huyết áp tăng cao, người thân nói đưa ông ra trạm y tế kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp xem sao nhưng ông gạt phắt đi: "Trạm y tế thì ra bệnh làm sao được, đợi ngày mai đi bệnh viện khám xem bệnh gì". Hôm sau, bỏ qua 2 bệnh viện gần nhà là BVĐK Sơn Tây và BV Quân y 105, ông H bắt xe bus đi gần 50km đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tại huyện miền núi Phước Sơn - tỉnh Quảng Nam, mỗi địa phương cấp xã là một trạm y tế và được cấp nhiều trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh nhưng cũng rất ít người đến khám bệnh. Người dân thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) chủ yếu đến khám ở Trung tâm Y tế huyện vì họ cho rằng ở trạm chỉ khám những bệnh thông thường như sốt, ho, cảm hoặc chỉ là điểm tiêm phòng.

Ông Đinh Văn Hoàng - trú thị trấn Khâm Đức - cho biết, ông chỉ qua trạm y tế xin thuốc đúng 1 lần nhưng đỡ nên từ nhiều năm nay chỉ đi trực tiếp xuống Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn để chữa trị. Rõ ràng việc khám chữa trị ở trạm thì không đảm bảo so với Trung tâm Y tế huyện.

“Tôi và gia đình khám chủ yếu ở Trung tâm Y tế huyện hoặc có điều kiện sẽ xuống bệnh viện tỉnh để khám yên tâm hơn. Có chăng trạm y tế chỉ để đến tiêm thuốc ngừa cho trẻ, còn giờ tôi chọn nhà thuốc yên tâm hơn. Nếu không khỏi thì lên thẳng trung tâm có đội ngũ trình độ cao hơn” - ông Hoàng nói.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Khâm Đức) cho hay: "Lâu nay, khi tôi chở con đi khám bệnh, không bao giờ chúng tôi đến trạm y tế của thị trấn, nên không biết năng lực của họ có chữa trị được bệnh hay không. Mọi người ở đây, khi đau ốm, đa phần đều đến trung tâm y tế huyện để yên tâm hơn. Gần như không ai đến trạm y tế làm gì".

Bà Vũ Thị Hương - Trưởng Trạm Y tế thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn - cho biết, trạm xây dựng đã lâu, nay cũng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc phối hợp truy vết cũng gặp ít khó khăn. Hằng ngày người dân đến trạm chủ yếu để khai báo y tế. Nếu đông, thì mỗi ngày có 5 - 6 người đến khám bệnh, nhưng thường thì không có ai. Việc khám bệnh ở đây so với chỉ tiêu huyện giao thì cũng chưa đạt. Ngoài ra, trạm ở gần với Trung tâm y tế huyện nên đa phần người dân xuống đó khám.

“Người dân chỉ đến đây để xin thuốc miễn phí. Còn khám chữa bệnh thì họ xuống Trung tâm Y tế huyện. Trên địa bàn nếu có tai nạn thì dân cũng chạy xuống thẳng trung tâm y tế huyện, bởi ở trạm cũng chỉ sơ cứu, xem xét, nếu thấy nặng, nguy hiểm thì đằng nào cũng hướng dẫn dân chuyển tuyến trên. Vì vậy, dân cũng ít khi vào trạm. Dù trạm cũng được trang bị nhiều thiết bị, phòng khám, nhưng để chăm sóc cho nhân dân được đảm bảo thì cần có nguồn nhân lực có tay nghề cao, đủ độ tin cậy cho người dân” - bà Hương nói.

"Một người làm bằng ba người"

Ông Nguyễn Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Y tế  huyện Phước Sơn - cho biết, hiện tại nguồn nhân lực ở trung tâm gặp nhiều khó khăn, số lượng biên chế thiếu, nhất về sinh sản. Công tác khám chữa bệnh cũng đã vất vả đối với các y bác sĩ. Đặc biệt, nay thêm công việc quan trọng nữa là phòng chống dịch, thực hiện truy vết, xét nghiệm, triển khai tiêm chủng phòng COVID-19.

"Với nguồn nhân lực hiện tại, đòi hỏi mỗi người làm việc bằng 3, chưa kể bây giờ thành lập các cơ sở thu dung bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị, buộc làm việc tăng cường hơn nữa. Nguồn nhân lực hết sức cần thiết. Khi thiếu nguồn nhân lực cũng ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh rất nhiều. Mong muốn làm sao sớm thi tuyển viên chức y tế, bù đắp nhân lực đang thiếu. Đặc biệt, hiện nay càng ngày càng giảm biên chế theo yêu cầu của Trung ương, tỉnh. Mà giảm biên chế, nguồn thu để chi trả các hoạt động khác lại giảm do dịch bệnh nên vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ nhiều huyện khác cũng sẽ như thế đặc biệt vùng núi cao" - ông Long nói.

Ông Long chia sẻ thêm, vừa qua đơn vị cũng điều động nhiều cán bộ lên các xã vùng cao để tăng cường cán bộ để khám chữa bệnh, truy vết. Các trạm y tế trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo khám cho người dân.

Trong khi đó, ngành Y tế thủ đô Hà Nội đang đối mặt những ngày khó khăn nhất, khi dịch COVID-19 bùng phát khắp các quận, huyện. Cán bộ y tế quá tải do lượng F0 tăng nhanh, khối lượng công việc "như núi" dồn dập đổ về. Mỗi trạm y tế chỉ có khoảng từ 5-10 người, nhưng phải đảm đương khối lượng công việc "khổng lồ". 

Trạm trưởng Trạm y tế xã Cự Khê (huyện Thanh Oai - Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi rất quá tải, nhân lực thiếu. Vừa phải điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, vừa tiêm chủng vaccine COVID-19 cho mấy chục nghìn người dân, tiêm ngày tiêm đêm... Rồi quản lý F1, điều trị F0 tại nhà... Khối lượng công việc rất lớn. Trước kia trạm có 8 người quản lý khoảng 7.000 người dân, nhưng hiện nhân lực có 9 người nhưng lại thêm khoảng 17.000 dân cư của khu đô thị, như vậy là khoảng 24.000 người. Trong khi trạm chúng tôi chưa có bác sĩ". 

Nói về y tế cơ sở tại thủ đô, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, thành phố hiện có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Thực tế hiện nay, nhiều xã, phường của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế. Với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe đảm bảo cho tối đa 13.000-15.000 dân. Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh, theo đó định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, nhưng thu nhập của cán bộ khối trạm y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề (trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng), khi tham gia các hoạt động phòng chống dịch được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn