MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cung An Định (TP Huế) mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Phong

Nâng cao hiệu quả chống thiên tai qua nghiên cứu lịch sử

PHÚC ĐẠT LDO | 08/09/2024 08:17

HUẾ - Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai, việc nghiên cứu diễn trình lịch sử về thiên tai là cần thiết để phòng, chống.

Mới đây, những thông tin được các nhà nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo khoa học “Diễn trình lịch sử thiên tai tại Thừa Thiên Huế” đã góp phần làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan, qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong phòng, chống.

Vùng đất có diễn trình lịch sử thiên tai phức tạp

TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở khu vực miền Trung, nơi chuyển tiếp các vùng thời tiết Bắc - Nam, đây là khu vực có điều kiện về địa hình, khí hậu phức tạp. Địa phương với hệ thống sông dày đặc, trong đó có các con sông quan trọng là sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương... Các sông đều xuất phát từ dãy Trường Sơn với đặc điểm ngắn, dốc, nhiều thác ghềnh và rừng đầu nguồn có độ che phủ thấp, chính đặc điểm này đã làm tăng thêm mức độ tàn phá khi có lũ lụt.

Ngày nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu thấu đáo về diễn trình lịch sử về thiên tai ở Thừa Thiên Huế là việc làm cần thiết giúp tìm hiểu quy luật, biến động của thời tiết qua các giai đoạn.

Kinh thành Huế mùa thiên tai, mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Phong.

Nghiên cứu tình hình thiên tai dưới triều Nguyễn, TS. Thái Quang Trung - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cung cấp thêm thông tin: Thống kê trong Đại Nam thực lục, chỉ tính trong thời kỳ trị vì của nhà Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1885, đã có trên 30 đợt thiên tai (trong đó triều vua Gia Long có 2, vua Minh Mạng 10, vua Thiệu Trị 6 và vua Tự Đức 13); tập trung chủ yếu các tháng 8, 9, 10.

Để ứng phó với thiên tai, vua Gia Long đã cho thành lập cơ quan Khâm Thiên Giám lo việc quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, phục vụ cho công việc phòng, chống và việc sản xuất của nhân dân. Đến thời Minh Mạng, vua cho đắp Đài Quan Thiên Tượng ở Tây Nam Kinh thành Huế, trên đài dựng bình bát phong để chiêm nghiệm gió và dùng chậu đồng để đo lường lượng mưa.

Cần nhận thức sâu sắc về PCTT trong tình hình mới

Theo TS. Thái Quang Trung, hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng cũng không ngoại lệ. Những kinh nghiệm, bài học về phòng, chống thiên tai của triều Nguyễn đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết là phải phát huy vai trò quản lý nhà nước về công tác phòng chống thiên tai, chủ động trong công tác ứng phó với bão lụt. Thứ hai là phát huy vai trò chủ động của làng xã. Cùng với đó cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi người dân.

Đồng ý với quan điểm nêu trên, TS. Nguyễn Đính - Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: "Trong nhiều năm qua, công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các cấp địa phương đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình, xây dựng các kịch bản để ứng phó; nắm chắc số lượng di dời, sơ tán dân; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai, cách thức phòng, chống đến tận người dân và cán bộ cơ sở được triển khai rộng khắp. Nhưng trong tình hình mới, công tác này cần được nhận thức sâu sắc hơn, triển khai thường xuyên, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa".

Đô thị Huế mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Phong.

Một trong những vấn đề cũng được nhiều người dành sự quan tâm là việc bảo tồn yếu tố phi vật thể ở những kiến trúc lịch sử ở Huế dưới tác động của thiên tai. Nói về vấn đề này, TS. Huỳnh Thị Anh Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho hay, sau nhiều biến thiên của lịch sử và dưới tác động của thiên tai, nhiều công trình kiến trúc lịch sử ở Huế đã chịu nhiều tổn thất, được bảo tồn, tu bổ qua nhiều thời kỳ, kể cả từ dưới thời Nguyễn.

Theo TS. Huỳnh Thị Anh Vân, bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước và công ước quốc tế, tùy theo đối tượng và phạm vi thực hiện trong lĩnh vực bảo tồn các công trình lịch sử, cần có sự giám sát theo dõi và lập bảng đánh giá quá trình tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với các công trình về độ bền vật liệu, kết cấu, các hình thức trang trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn