MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 4 đầu cầu tại 4 tỉnh đang thực hiện dự án. Ảnh: H.L

Nâng cao nhận thức về mua bán người và tảo hôn

PHI LONG - HỮU LIỀU LDO | 05/05/2022 17:43

Quảng Bình – Ngày 5.5, Tỉnh Đoàn Quảng Bình phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Plan International tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Em vui” năm 2022. 

Hội thảo nhằm triển khai hiệu quả công tác “tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số”.

“Em vui” là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án "tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về tảo hôn và mua bán người thông qua công nghệ số" (EMPoWR) do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ, được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp thực hiện với Tổ chức Plan International tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác.

Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm từ 2020 đến 2023. 

Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ các em nam nữ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (từ 10 - 24 tuổi) sẽ sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Đối tượng đích của dự án là 17.200 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của dự án, cho đến khi kết thúc giai đoạn thực hiện. Dự án kỳ vọng sẽ lan tỏa thông tin tới hơn 57.400 em vùng dân tộc nữa trên khắp 4 tỉnh dự án.

Riêng tại tỉnh Quảng Bình, dự án được triển khai trên địa bàn 3 huyện, gồm 10 xã. 

Theo thống kê, tình trạng tảo hôn tại Quảng Bình trong 5 năm qua đạt mức khá thấp và không có nhiều biến chuyển. Trung bình mỗi năm, tại Quảng Bình có khoảng 100 cặp tảo hôn và đa phần đều là bà con dân tộc thiểu số.

Nền tảng “Em vui” với nhiều sản phẩm cung cấp kiến thức hữu ích, có thể giúp các em vừa học vừa chơi. Ảnh chụp màn hình.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình có đường biên giới dài gần 202 km giáp với Lào, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đa dạng, đời sống kinh tế lại khó khăn, người dân còn thiếu hiểu biết và kỹ năng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã hứa hẹn tìm công việc thu nhập cao cho bà con rồi lừa bán họ vào các cơ sở mại dâm, hoặc cưỡng ép đi lao động trái phép ở Trung Quốc.

Với mục đích giúp đỡ các em dân tộc thiểu số, “Em vui” được phát triển là không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho trẻ em gái, trẻ em trai và nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số kiến thức và kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người.

Hiện nay, nền tảng “Em vui” đã có nhiều sản phẩm cung cấp kiến thức hữu ích như: video hướng dẫn chi tiết sổ tay an toàn mạng; các tập phim truyện tranh “Hành trình của Mỉ” với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông về phòng tránh tảo hôn, phòng, chống mua bán người; tài liệu về các chủ đề kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống tảo hôn, kỹ năng phòng, chống mua bán người, sức khoẻ sinh sản… Các sản phẩm này đều đã được dự án đăng tải trên nền tảng “Em vui”, ghi nhận hàng nghìn lượt xem, đọc và tải về.

Theo bà Lê Thị Ngọc Hà - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Bình, nền tảng “Em vui” là một không gian kỹ thuật số cung cấp nhiều thông tin bổ ích về phòng tránh tảo hôn, nạn mua bán người. Tham gia nền tảng, các em dân tộc thiểu số sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng hữu ích để bảo vệ chính bản thân mình, đồng thời cũng là nơi để các em chia sẻ với bạn bè của mình ngay chính trên nền tảng này.

“Đồng thời, để nền tảng “Em vui” được phổ biến rộng rãi đến đối tượng học sinh ở vùng sâu, vùng xa, trong thời gian tới dự án cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức trên các kênh truyền thông chính thống như báo chí, truyền hình…” - bà Lê Thị Ngọc Hà cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn