MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 20 năm nay, hình ảnh một cô dâu Nga xách làn đi chợ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân thành phố biên giới Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nàng dâu Nga 23 năm ăn Tết ở Móng Cái

Nguyễn Hùng LDO | 27/01/2020 12:00

Năm 1997, theo chồng con về Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, với biết bao giằng xé tâm tư bởi phải xa cha mẹ, họ hàng và nước Nga, lúc ấy, ngay bản thân chị Natalia Nguyễn (SN 1966) cũng không chắc sẽ ở lại quê chồng. Chồng chị - anh Nguyễn Tử Bình (SN 1962) – cho biết, đến giờ, anh chị cũng chỉ có một cậu con trai sinh ở Nga vì chị không dám đẻ thêm, bởi nếu không trụ lại được thì đôi ngả chia ly còn đau khổ hơn. Vậy mà, đến nay, chị Natalia đã đón 23 cái Tết ở quê chồng.

This browser does not support the video element.

Video clip “Nàng dâu Nga - chị Natalia đi chợ chuẩn bị Tết Canh Tý

Phải đợi khá lâu, chị Natalia mới đi chợ về. Những ngày giáp Tết, chị đi chợ xa hơn vì chỉ ở đó mới có đủ hàng hóa cho những ngày Tết.

Tôi hỏi “chị có biết cúng không?”. Chị cười hiền, trả lời bằng vốn tiếng Việt mà chị thừa nhận chưa sõi lắm: “Hai mươi mấy năm ở đây rồi, sao lại không biết cúng chứ?”.

Chị Natalia đi chợ Móng Cái mua sắm chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hơn 20 năm nay, hình ảnh một nàng dâu Nga xách làn đi chợ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân thành phố biên giới Móng Cái. Ngoài việc mua đồ ăn thức uống cho gia đình và phục vụ khách đến quán cà phê “Đôi Bờ”, ngày mồng 1 hoặc rằm, lễ tết, chị vẫn nhớ đi mua hương hoa về thắp hương.

“Trước đây, khi ra chợ còn mặc cả, sau này ai cũng biết mình nên không mặc cả nữa. Thậm chí có người còn bán rẻ hơn so với bán cho những người khác” – chị Natalia tâm sự.

Từ ngày có cô dâu Nga, bà Nguyễn Thị Tuyết – mẹ anh Bình, nay ngoài 90 - không còn phải lo chuyện bếp núc. Không chỉ có vậy, mỗi khi bà ốm, cô con dâu lại chạy đi mua thuốc, hoa quả… về cho mẹ. Anh Bình bảo, trong số 3 cô con dâu, mẹ anh thương Natalia nhất vì cô vừa hiền lành, đảm đang lại chịu thiệt thòi vì xa bố mẹ, quê hương.

“Đi đâu, bà cũng dẫn tôi đi cùng. Tôi đã mấy lần về quê của mẹ ở Thái Bình rồi. Làng quê đẹp lắm. Gần đây mẹ yếu, nên không đi những nơi xa nữa” – nàng dâu Nga khoe.

Hai vợ chồng anh Bình - chị Natalia xem lại những hình ảnh của gia đình con trai. Ảnh: Nguyễn Hùng

Câu chuyện với chị thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi chị phải chạy vào bếp trông nồi thức ăn, hoặc có người đến giao thực phẩm.

Anh Bình kể, 23 sống ở quê chồng rồi, nhưng trong sâu thẳm, vợ anh vẫn khắc khoải về bố mẹ, về nước Nga. Nhiều lúc thấy chị nhìn xa xăm, đăm chiêu mà thương lắm. Mấy tháng trước, đi du lịch Nha Trang cùng vợ chồng con trai từ Nga về, gặp rất nhiều du khách Nga, chị nói với anh hay là chuyển vào Nha Trang để có cơ hội gặp người Nga…

Anh Nguyễn Tử Bình gặp chị Natalia khi cùng làm việc trong một nhà máy cơ khí mỏ ở Kiselevsk, Nga, rồi nên vợ thành chồng năm 1987. Sau 15 sinh sống ở nước Nga, đến năm 1997, anh quyết định đưa chị và cậu con trai duy nhất – khi đó 10 tuổi về Móng Cái, với biết bao khó khăn, vất vả. Chị không biết tiếng Việt nên không thể xin được việc dù nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, con trai phải học lùi lại mấy lớp để có thời gian tập trung học tiếng Việt. Cả gia đình trông chờ vào nghề làm khung nhôm cửa kính của anh.

Con trai, con dâu, cháu gái và bà thông gia từ Nga về thăm gia đình chị Natalia. Ảnh: Gia đình cung cấp

Để vợ đỡ buồn, lại có thêm thu nhập, anh thuê địa điểm mở quán càphê cho chị. Quán mang tên “Đôi Bờ” và luôn tràn ngập các bài hát Nga, trong đó chủ đạo là bài “Đôi Bờ” để chị nguôi ngoai nỗ nhớ nhà. Quán đông khách và để tiết kiệm chi phí, nên chị quần quật cả ngày, vừa đi chợ, vừa pha cà phê, đánh sinh tố…Sợ vợ vất vả, anh bỏ nghề làm khung nhôm để về giúp chị.

Mấy năm sau, chị cùng con trai về Nga thăm bố mẹ. Cậu con trai ở lại với ông bà luôn vì bác sĩ khuyên ở lại lâu dài để chữa bệnh. Trở về Móng Cái, hai anh chị nai lưng kiếm tiền để gửi sang cho con ăn học.

“Cháu tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Saint Petersburg và đã lấy vợ, có con gái. Lễ cưới được tổ chức tại Móng Cái, với đầy đủ họ hàng đôi bên từ Nga sang. Cháu mới dẫn cả gia đình và mẹ vợ về Móng Cái. Trước đây, chúng tôi mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học, con trai sẽ quay về Việt Nam làm việc để gần với bố mẹ, nhưng cháu quyết định ở lại Saint Petersburg” – chị Natalia suy tư, mừng cho con nhưng lại biền biệt cách xa.

Từ ngày rời nước Nga đến giờ, anh Bình vẫn chưa một lần trở lại, còn chị thì cứ 3 năm về một lần. “Cũng muốn cả hai cùng về lắm, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ dồn đủ tiền cho vợ thăm bố mẹ” – nói rồi anh quay sang nhắc chị – “Năm nay Natalia ở lại trông quán càphê nhé, để anh về Nga”.

Chị được mẹ chồng quý mến bởi sự hiền hậu, đảm đang, biết hi sinh vì chồng con. Ảnh: Nguyễn Hùng

Anh ước sinh 2- 3 đứa thì giờ vui cửa, vui nhà. Những năm còn trẻ, không biết có ở lại quê chồng được lâu không nên không dám sinh thêm vì sợ ly biệt; đến khi quyết gắn bó với Việt Nam thì đã quá tuổi.

Chị mong ước nhiều lắm, trong đó mong một lần cả gia đình, con cháu được sum họp đầy đủ trong dịp Tết cổ truyền của quê chồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn