MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tôm, cua chết khiến bà con trên địa bàn huyện An Biên mất nguồn thu thậm chí lỗ vốn. Ảnh: Nguyên Anh

Nắng nóng, mặn tăng cao: Tôm, cua ở huyện ven biển Kiên Giang chết hàng loạt

NGUYÊN ANH - PHONG LINH LDO | 03/04/2024 06:15

Nhiệt độ tăng cao, độ mặn vượt ngưỡng gấp nhiều lần đã làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm, cua của người dân trên địa bàn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Không đủ lấy vốn

Cùng cán bộ Tổ Kinh tế Kỹ thuật xã Nam Thái A, huyện An Biên đến các gia đình nuôi tôm, cua trên địa bàn, có thể thấy bà con nơi đây đang gặp nhiều khó khăn vì thời tiết thất thường.

Ông Nguyễn Văn Hồ hiện đang có 1,5ha nuôi tôm, cua cho biết, gia đình đã làm nghề nuôi tôm, cua mười mấy năm qua, trừ đợt hạn, mặn năm 2015-2016 cho đến nay thì đợt hạn, mặn năm nay là “kinh khủng” nhất. Nhiệt độ ngoài trời có khi 38 - 40 độ ban ngày, nắng gay gắt và kéo dài, ban đêm thì lại lạnh và gió. Chưa kể tình hình xâm nhập mặn tăng cao, độ mặn đo được từ 20‰ có khi lên tới 40‰, ao nuôi đóng rong, phèn ô nhiễm.

“Tôi thả 20.000 con tôm giống tới khoảng 50 ngày tuổi thì thấy hiện tượng tôm chết, nổi lờ đờ trên mặt, vớt lên thì đỏ mình, đen chân. Mình đo độ mặn thì cũng xử lý ngay nhưng không hạn chế được là mấy, đành cố gắng thu hoạch vớt được nào hay nấy thôi. Vụ này xác định lỗ, mất nguồn thu rồi”, ông Hồ cho biết.

Sau thiệt hại vụ tôm, ông Mạc Hoàng Đâu cải tạo, vệ sinh lại vuông nuôi tôm cho vụ sau. Ảnh: Nguyên Anh

Cũng trong tình trạng như trên, ông Mạc Hoàng Đâu chia sẻ: Nhà ông có 2ha nuôi tôm, cua nhưng nuôi được 1 tháng rưỡi thì bắt đầu bị chết. “Nắng nóng, độ mặn tăng tới 35 – 38‰ thì tôm, cua nào chịu nổi, người giờ còn không chịu nổi nói chi tôm, cua. Bà con ở đây thiệt hại, giờ vớt ra làm vệ sinh, làm đất lại chờ mưa để rửa mặn, xử lý rong cho sạch để thả vụ mới. Đầu tư tiền của vụ này coi như thất thu rồi”, ông Đâu tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng ấp Thái Hòa cho biết: “Bà con ở đây cũng phản ánh rất nhiều về tình hình tôm, cua thiệt hại, cơ bản hầu như họ lỗ. Bà con rất mong mỏi các hệ thống cống ở địa bàn được hoàn thiện để đóng mở kịp thời, ngăn mặn giữ ngọt giúp ổn định nuôi trồng, sản xuất, giảm thiệt hại”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Biên, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 500ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại. Diện tích thả tôm nuôi tập trung nhiều ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A… trong đó xã Nam Thái A có hơn 100 ha bị thiệt hại.

Người nuôi cần giải pháp

Ông Trang Minh Tú - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Biên cho biết: Đến cuối tháng 3.2024, toàn huyện thả nuôi tôm được hơn 25.700ha. Hiện tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, độ mặn tăng cao, nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đã làm thiệt hại hơn 500ha, do yếu tố môi trường; trong đó có 5,2 ha bị bệnh do đốm trắng cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm và cấp cho hộ dân 410kg Chlorine xử lý.

Năm nay theo dự báo của tỉnh cũng như là theo khuyến cáo của ngành chuyên môn đối với huyện thì cũng rất là khó khăn, tập trung để ứng phó với tình huống độ mặn tăng cao, nắng nóng. Nắng nóng chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm ảnh hưởng đến tình hình nuôi tôm cua trên địa bàn. Một số bị thiệt hại thì bà con phải thu hoạch sớm hơn và năng suất thì giảm so với yêu cầu. Ngành chuyên môn tăng cường kiểm soát lấy mẫu để quan trắc môi trường nước cảnh báo kịp thời cho bà con.

Trước mắt thì đối với ngành chuyên môn hỗ trợ cho bà con về mặt kỹ thuật để hướng dẫn về cải tạo quy trình làm sao thu hoạch kịp thời, hạn chế thiệt hại lớn. Kịp thời cải tạo và chăm sóc sức khỏe lại cho tôm để cho đảm bảo năng suất cũng như sản lượng.

Tôm, cua của bà con ở xã Nam Thái A bị thiệt hại do nắng nóng và độ mặn vượt ngưỡng. Ảnh: Nguyên Anh

“Để đảm bảo cho vùng sản xuất thì hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã vận hành đóng 100% để kiểm soát mặn. Đối với hệ thống cống nội đồng ở địa phương, chúng tôi đang vận hành để kiểm soát mặn, tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Tỉnh đã quan tâm đầu tư được 50% cống ven biển nhưng chưa được hoàn thiện nên tỉnh đang đề xuất trung ương. Tỉnh cũng đang tiếp tục đầu tư để hoàn thiện các cống nhằm kiểm soát mặn tốt hơn”, ông Tú cho hay.

Theo ngành nông nghiệp, độ mặn thích hợp cho nuôi tôm dao động từ 10 - 20‰ thì tôm phát triển tốt. Khi độ mặn tăng cao trong ao vuông thì cần có giải pháp về kỹ thuật để làm sao tăng cường sức khỏe cho tôm nuôi, cải tạo lại ao để giảm bớt độ mặn. Huyện An Biên có 4 xã ven biển bị ảnh hưởng nhiều do xâm nhập mặn, các xã khác tình hình nuôi tôm tạm thời ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn