MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nắng nóng tại TP Hồ Chí Minh gay gắt hơn vì thiếu cây xanh

HẠ MÂY LDO | 27/04/2023 10:09

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Nam Bộ đang trong những ngày cao điểm nắng nóng. Người dân khi di chuyển ngoài trời có thể cảm nhận được cái nắng gay gắt  đi kèm với sự oi bức rõ rệt, mà một phần là do quá thiếu vắng cây xanh.

Loạt cây xanh phải nhường chỗ cho công trình

Chị Laura (du khách Anh), lần đầu tiên đến TP Hồ Chí Minh không khỏi bất ngờ khi thời tiết tại đây khá nóng. “Tôi có rất nhiều dự định khi đến thành phố này nhưng trời khá nắng. Chúng tôi thường phải đem theo nước và khăn khi đi ra ngoài. Các dự định tham gia các hoạt động phải dời lại chờ khi trời hết nắng" - chị Laura chia sẻ.

Tương tự, anh Cao Vũ Long (sống tại TP Thủ Đức) cho biết: “Công việc của tôi thường phải di chuyển ngoài trời, những ngày này, nếu đi lâu sẽ rất mất sức. Để tránh mệt mỏi, tôi đã phải đi làm sớm hơn, thay đổi lịch trình vào những khung giờ tránh nắng nóng”.

Khảo sát cho thấy, nhiều tuyến đường, địa điểm tại TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu vắng cây xanh như đường Tôn Đức Thắng (Quận 1), Lê Lợi (Quận 1), Trường Chinh, Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình),... 

 Nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh thiếu cây xanh. Ảnh: Ngọc Lê

Từng được mệnh danh là "tuyến đường xanh mát" của thành phố với hàng trăm cây cổ thụ, nhưng đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) giờ đây như trở thành “lò nung", bởi hàng cây xanh đã bị đốn hạ nhường chỗ cho các công trình giao thông.

Hay tuyến đường Lê Lợi (Quận 1) trước khi bị rào chắn để phục vụ công trường thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nơi đây cũng là một trong những tuyến đường được mệnh danh “đại lộ xanh” của thành phố với những hàng cây cổ thụ cho bóng mát. Đến nay, khi đã được trả mặt bằng nhưng mảng cây xanh tại đây gần như trống trơn, chỉ có nhựa đường và bê tông.

Mới đây nhất, hơn 1.300 cây xanh trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) và gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị đốn hạ, di dời để thi công hai công trình giao thông trọng điểm. Điều này đã làm thời tiết của thành phố trở nên oi bức ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cây xanh trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) trơ trụi chờ di dời để thi công nút giao thông 3.400 tỉ đồng. Ảnh: Anh Tú

Oi bức vì thiếu cây xanh

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết, về mặt khí hậu, trong thời gian qua, khu vực Nam Bộ vẫn đang trong giai đoạn mưa chuyển mùa. Trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh thường xuất hiện các cơn mưa dông nhưng lượng nhỏ xen kẽ những ngày nắng gắt.

Tuy nhiên, điều này cũng làm độ ẩm trong không khí tăng cao. Khi tạnh mưa, hơi nước chuyển thành mây làm cho không khí oi bức, kết hợp với nắng nóng gay gắt sẽ gây khó chịu cho người dân. Mặt khác, thành phố là nơi mức độ đô thị hóa cao, công nghiệp phát triển, giao thông đông đúc… những yếu tố này cộng hưởng vào sự oi nóng của thời tiết càng làm cho không khí nóng và khó chịu hơn các địa phương khác.

 Tuyến đường Lê Lợi (Quận 1) từng được mệnh danh “đại lộ xanh” của TP Hồ Chí Minh nhưng giờ thì trống trơn cây xanh. Ảnh: Anh Tú

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ cây xanh ở thành phố chỉ đạt khoảng 0,5m2/người. Hiện thành phố chỉ có gần 110.000 cây xanh đô thị, phục vụ cho hơn 10 triệu dân và đa phần là cây ven đường. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng về tỉ lệ về cây xanh đạt tiêu chuẩn phải là 12 - 15m2/người.

Có thể thấy, tình trạng thiếu cây xanh tại TP Hồ Chí Minh khá nghiêm trọng. Tại công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1), trước đây cũng có nhiều cây xanh nhưng sau khi triển khai dự án chỉnh trang mở rộng lên 18.600m2 thì cây xanh lại vắng bóng.

Mới đây, tại tuyến đường Lê Lợi, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp chi 20-30 tỉ đồng để lắp mái che dọc vỉa hè nhưng đã nhận lại nhiều ý kiến trái chiều cho rằng nên ưu tiên mảng xanh trước. Sau đó, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, vỉa hè đường Lê Lợi sẽ được nghiên cứu trồng cây xanh trước khi làm mái che mưa, nắng.

Theo kế hoạch phát triển công viên, cây xanh công cộng của UBND TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển thêm 150ha đất công viên và tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng. Trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh đô thị, giới thiệu và trồng thêm 20 loài cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4 m2/người, qua đó, bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn