MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ba tờ tiền âm phủ mà khách du lịch nhận được của tài xế xíchlô.

Nên bỏ hẳn việc in tiền âm phủ có kích thước màu sắc giống tiền thật

CAO NGUYÊN - TUẤN ANH LDO | 23/07/2018 12:06
Một số giáo sư, chuyên gia văn hóa đưa ra đề xuất trên sau khi xảy ra vụ việc lừa đảo khách nước ngoài bằng tiền âm phủ tại Hà Nội.

Trả tiền âm phủ cho khách nước ngoài

Liên quan đến vụ khách nước ngoài tố bị người lái xíchlô lừa đảo, dùng tiền âm phủ trả lại, chiều 21.7, Công an Q.Hoàn Kiếm ra kết luận điều tra: Đối tượng trả lại tiền âm phủ cho hai du khách nước ngoài là lái xe taxi Trần Văn Phong (SN 1989, trú tại Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định), chứ không phải lái xe xíchlô như thông tin đăng tải trên mạng trước đó.

Theo kết luận, khoảng 19h ngày 16.7, sau khi rời một nhà hàng trên phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), hai vị khách Tây Ban Nha gọi xe taxi do Trần Văn Phong chở về khách sạn ở phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội). Khi thanh toán cước phí, du khách đưa cho Phong 500.000 đồng, trong khi đồng hồ tính tiền cho thấy quãng đường đi hết 37.000 đồng. Không có tiền trả lại, và nghĩ rằng hai du khách nước ngoài không rõ tiền Việt, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ, nên Phong nảy lòng tham. Anh này lấy 3 tờ tiền âm phủ, hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng đưa cho du khách. Đến ngày hôm sau, vị du khách dùng số tiền trên để giao dịch mới biết đó chỉ là tiền âm phủ không có giá trị.

Đề xuất cấm in tiền âm phủ

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện tượng “chặt chém”, lừa dối du khách gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch nước nhà. Những đối tượng có hành vi này cần bị xử lý nghiêm. Theo luật sư Ứng, điểm dễ gây nhầm lẫn giữa tiền thật và tiền âm phủ là thiết kế, kích cỡ và màu sắc. Tờ tiền thường có kích cỡ và màu sắc như thế nào thì tiền âm phủ cũng được làm theo na ná như vậy. Người Việt có thể phân biệt, nhưng với người nước ngoài, đặc biệt những người lần đầu sử dụng tiền Việt Nam, thì việc này không khác gì “đánh đố”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bắt bẻ, xử lý những người sản xuất tiền âm phủ bởi lẽ trên mỗi tờ tiền âm phủ dù có làm giống thật đến đâu thì vẫn có dòng chữ “Ngân hàng Trung ương địa phủ”.

“Dù không cấm in tiền âm phủ, nhưng chúng ta cần phải có quy định rõ ràng hơn trong việc in tiền âm phủ giống như những quy định về làm tiền giả, ví dụ như nghiêm cấm mọi hình thức làm giống như tiền thật… Chỉ có quy định xử pháp rõ ràng và nghiêm minh thì mới có thể hạn chế những giao dịch lừa đảo trắng trợn như vừa qua” - luật sư Ứng kiến nghị.

Còn Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam - cho rằng, vụ việc kể trên là một hành vi làm mất đi hình ảnh, vẻ đẹp con người Việt Nam. Giáo sư Chương nhấn mạnh đây là hành vi “một con sâu làm rầu nồi canh”, lừa đảo đưa tiền âm phủ cho khách nước ngoài là không thể chấp nhận được. “Hành vi ấy chúng ta cần phê phán và phải nhanh giải quyết. Ngay cả lừa đảo người Việt đã không nên rồi. Đây là một hành vi vô văn hóa, và còn liên quan tới chính trị. Toàn dân phải làm ngoại giao, toàn dân phải làm văn hóa chứ không riêng gì nhà văn hóa, nhà chính trị” - Giáo sư Chương nói.

Về việc phát hành tiền âm phủ như hiện nay, Giáo sư Hoàng Chương kiến nghị, cần xem xét và bỏ hẳn việc in tiền, sử dụng loại tiền này. Bởi lẽ đồng tiền âm phủ với đồng tiền thật, người Việt Nam có khi còn nhầm lẫn huống gì người nước ngoài. “Bản thân tôi cho rằng, phải bỏ hẳn việc in tiền âm phủ để đỡ lãng phí, để tránh lừa đảo, có thể làm mất đi giá trị du lịch nước nhà”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn