MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những lễ vật được người dân chuẩn bị trong lễ cúng ông Công ông Táo. Ảnh: T.L

Nên cúng ông Công ông Táo vào buổi sáng hay chiều 23 tháng Chạp?

Bích Hà LDO | 17/01/2020 09:53
Năm nay, Tết ông Công ông Táo rơi vào ngày 17.1.2020 dương lịch - tức thứ sáu. Do đặc thù công việc, nhiều gia đình vẫn phải bận rộn với việc làm nơi công sở và có băn khoăn cúng ông Công ông Táo vào chiều 23 tháng Chạp có được không, hay nhất thiết phải cúng trước 12h trưa?

Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia về văn hóa tâm linh có những quan điểm khác nhau.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Công ty kiến trúc phong thủy Song Hà), các gia đình nên cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Khi hành lễ, người dân sẽ đọc văn khấn, khi hương cháy 2/3 thì đưa vàng mã ra hóa, đổ 3 chén rượu vào tro.

Để ông Táo về chầu trời, gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Cá chép còn mang ý nghĩa “cá chép hóa rồng”. Sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, cá chép sẽ được phóng sinh tại ao hồ.

Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Song Hà cũng lưu ý, tùy điều kiện mỗi gia đình mà chọn thời điểm cúng ông Công ông Táo khác nhau. Tốt nhất là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Nếu không thể sắp xếp thời gian, thì gia đình có thể cúng vào thời điểm khác, nhưng tuyệt đối không nên để sau 23h đêm ngày 23 tháng Chạp mới cúng ông Công ông Táo.

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào chiều 23 tháng Chạp.

Ông cho rằng quan niệm phải cúng trước 12h trưa 23 tháng Chạp chưa phải là cách ứng xử phù hợp với tín ngưỡng. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, thời điểm chiều tối là lúc các Táo cưỡi cá chép lên trời. Lúc hóa mũ áo, tiền vàng nhất thiết phải vào lúc nhập nhẹm tối, giao thoa giữa ngày và đêm.

Tuy có quan điểm khác nhau về thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo, nhưng các chuyên gia đều cho rằng nên cúng trước hoặc trong ngày 23 tháng Chạp. Không nên thực hiện nghi thức cúng ông Công, ông Táo sau ngày này.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Chí Bền, sự tích “ông Công, ông Táo” trong huyền thoại lưu truyền trong dân gian xuất phát từ mô típ “một bà hai ông”, khi loài người đang ở chế độ quần hôn chuyển sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Từ mô típ này, chủ thể của hoạt động văn hóa dân gian đó chính là người nông dân, gắn liền với nghề trồng lúa nước. Cái tối thượng đối với họ là đất, nên gia đình nào cũng thờ ông thần đất.

Ngoài ra, trong bếp của các gia đình người Việt xưa thường có ba ông đầu rau - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp. Thời điểm còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và phải đắp 3 ông đầu rau mới thay 3 ông đầu rau cũ đi. Sau đó, người dân tổ chức cúng để 3 ông đầu rau bay lên trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những cái được và những gì chưa may mắn, bất hạnh của gia đình trong một năm qua.

Theo thời gian, người dân sáng tạo và lưu truyền thêm những câu chuyện khác liên quan đến nguồn gốc của ngày lễ ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, tất cả đều ca ngợi tình nghĩa con người trong xã hội và nhắc nhở mọi người cần phải cố gắng làm những việc tốt, làm ăn lương thiện, các thành viên trong gia đình sống hoà thuận với nhau.

Thông thường một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất thường có:

1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt gà, 1 bát canh, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi, 1 đĩa hoa quả, 3 chén rượu, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã và 3 con cá chép (còn sống hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ hóa vàng, đồ lễ. Nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn