MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ NN&PTNT kiểm tra thực địa khu vực lòng hồ thuộc dự án thủy lợi ngàn tỉ ở Tây Nguyên chiều 3.9. Ảnh B.Tr

Nếu dừng dự án thủy lợi ngàn tỉ ở Tây Nguyên, dân lòng hồ "bơi" đi đâu?

Thanh Hải LDO | 04/09/2020 11:43

Để giải quyết vấn nạn ngập lụt vùng lòng hồ thuỷ lợi Krông Pách thượng ở Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT đã tính các giải pháp làm trạm bơm hoặc mở rộng kênh dẫn dòng, nhưng đều không khả thi. Giải pháp duy nhất là Đắk Lắk phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân.

Ngày 3.9, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục có buổi làm việc trực tiếp tại Đắk Lắk để giải quyết các vướng mắc, chậm tiến độ tại dự án thuỷ lợi 4.400 tỉ- Krông Pách Thượng. Hơn 11 năm triển khai, đến nay dự án chưa hoàn thành, lại bộc lộ nhiều bất cập, tắc trách.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã tiến hành đi kiểm tra thực tế tại Tây Nguyên và có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk để tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án cũng như đảm bảo an toàn cho hàng nghìn người dân vẫn còn mắc kẹt trong vùng lòng hồ.

Theo Bộ NN&PTNT, có 2 vấn đề đáng lo nhất tại dự án này là mưa lũ đe doạ tài sản, tính mạng người dân vùng lòng hồ và khả năng mất vốn dự án do chậm giải ngân, chậm giải phóng mặt bằng.

Vì giải ngân vốn giải phóng mặt bằng của Đắk Lắk quá chậm, nên nguy cơ bị cắt vốn, dừng dự án là rất cao. Trong khi 210 tỉ chuyển tiếp từ 2019 đến nay chưa giải ngân xong thì khả năng vốn năm 2020 chuyển tiếp cũng khó "tiêu" hết.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phạm Ngọc Nghị cho rằng, cho đến lúc này mà các bên liên quan vẫn còn lòng vòng, chưa thống nhất, mỗi người một ý thì những vướng mắc của dự án khó lòng giải quyết.

Lãnh đạo Đắk Lắk nhận định: Nguyên nhân dự án chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng không đạt kế hoạch là vấn đề con người, đang có những sự bất ổn trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng cũng đã 2 lần yêu cầu Bộ báo cáo về dự án này. Để giải quyết vấn nạn ngập lụt vùng lòng hồ, Bộ đã tính các giải pháp làm trạm bơm, hoặc mở rộng kênh dẫn dòng, nhưng đều không khả thi. Giải pháp duy nhất lúc này là tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo, nếu Đắk Lắk không làm quyết liệt, giải phóng mặt bằng còn chậm trễ, tài sản, tính mạng của dân bị đe doạ và dự án có nguy cơ bị cắt vốn, dừng.

Liệu công việc của 11 năm (giải tỏa, di dời, tái định cư cho gần 700 hộ dân...) có thực hiện được trong vòng vài tháng cuối năm 2020? Và nếu bị cắt vốn, dừng dự án như cảnh báo của Bộ NN&PTNT thì hàng ngàn dân bị mắc kẹt trong lòng hồ sẽ ra sao? Chưa kể hàng vạn héc-ta đất sản xuất, cây trồng và nông sản của người dân sẽ bị ngập chìm trong lòng hồ thì ai chịu trách nhiệm?

Nếu làm rõ trách nhiệm thì có thể nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí truy tố, tuy nhiên không thể để ngân sách thất thoát vô lý và đẩy hàng ngàn dân vào thế mắc kẹt, khốn khó như hiện nay. Không chỉ người dân vùng lòng hồ mà lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã không còn đường lùi ở dự án ngàn tỉ này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn