MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sóng thần khiến gần 300 người thiệt mạng ở Indonesia. Ảnh: AFP

Nếu Indonesia tiếp tục có sóng thần, liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Thành Trung LDO | 24/12/2018 19:00

Các chuyên gia cảnh báo một trận sóng thần khác có thể sẽ tấn công Indonesia. Từ đó, nhiều người bày tỏ lo lắng sóng thần ở Indonesia có thể ảnh hưởng tới Việt Nam.

Trước những lo ngại trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương (Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu) khẳng định, sóng thần ở Indonesia sẽ không ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nguyên nhân của trận sóng thần xảy ra ngày 22.12 vừa qua ở eo biển Sunda, ở Nam Sumatra và mũi phía tây của đảo Java, Indonesia không phải do động đất, mà do núi lửa phun dưới đáy biển.

Điểm phun dung nham là một phần nhỏ của núi lửa Krakatoa. Sau khoảng 30 phút phun dung nham thì có một khối lượng lớn đất đá đổ sập xuống đáy biển. Từ đó gây ra sóng thần.

Theo PGS Phương, khu vực xảy ra sóng thần nằm ở Ấn Độ Dương - đại dương khác so với đại dương mà Việt Nam đang kết cận là Thái Bình Dương.

Thêm nữa, núi lửa Krakatoa được ngăn cách bởi toàn bộ Đảo Java và đảo Sumatra.

Trong khi đó, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ có một eo Sunda (một eo rất nhỏ) thông giữa hai đại dương.

“Chắc chắn trận động sóng thần ở Indonesia vừa rồi hoàn toàn không có khả năng gây ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam", PGS Phương nói và cho biết, nếu khu vực trên tiếp tục có sóng thần thì bờ biển Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng.

Thảm họa sóng thần tối 22.12 đã khiến gần 300 người thiệt mạng, hơn 800 người khác bị thương và hơn 30 người đang mất tích.

Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), sóng thần xảy ra vào 21h30 tối 22.12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại  Pandeglang, Serang và South Lampung. 

BMKG cho biết, việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.

1 ngày sau trận sóng thần, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan tại quốc gia này phản ứng khẩn cấp để ứng phó với thảm họa sóng thần.

Indonesia hiện có 127 núi lửa hoạt động và nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.

Hồi tháng 9, động đất 7,5 độ ở Sulawesi gây sóng thần đã khiến 2.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người mất tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn