MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Phạm Đông

Nếu không quyết liệt, Hà Nội còn lâu mới hết ùn tắc giao thông

Phạm Đông LDO | 23/12/2022 07:47

Hà Nội đang rốt ráo triển khai các giải pháp giảm ùn tắc dịp cuối năm, tuy nhiên thực tế tắc đường triền miên vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội chỉ ra số “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng.

Lập các tổ công tác, không mang người dân ra làm thí điểm

Trong ngày, đặc biệt là giờ cao điểm, những cung đường ken đặc xe cộ, nối đuôi nhau di chuyển từng chút một. Hàng dài ôtô nối đuôi nhau chờ lên Vành đai 3 đã không còn... quá xa lạ. Tình trạng ùn tắc này cũng xảy ra trên nhiều tuyến đường khác của Thủ đô như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Kim Mã, Đào Tấn, Cầu Giấy, Xuân Thủy...

Việc ùn tắc diễn ra trên khắp các tuyến phố khiến nhiều người nghĩ rằng, Hà Nội chỉ còn một điểm ùn tắc là toàn thành phố. Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, sau 2 năm đối mặt với dịch COVID-19, nhịp sống của Thủ đô và đất nước đã quay trở lại. Mọi hoạt động diễn ra bình thường, tình hình ùn tắc giao thông cũng diễn ra nhiều hơn.

Với 35 điểm ùn tắc, năm nay ngành giao thông giải quyết được 8 điểm nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm khác. Về nguyên nhân, ông Thường cho biết, thời điểm cuối năm, lưu lượng giao thông tăng rất cao. Thành phố với 10 triệu dân đã có 7,7 triệu phương tiện cá nhân. Trong đó riêng trong năm 2022, đăng ký mới là 350.000 xe.

“Tốc độ gia tăng của ôtô rất lớn. Hiện thành phố đang có 1 triệu xe ôtô” - ông Thường nói và cho biết, mặc dù thành phố rất quan tâm đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhưng so với nhu cầu đặt ra và về nguồn lực vốn đầu tư công thì khoảng cách còn khá lớn. 

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, hàng loạt công trình mang tính trọng điểm của thành phố được yêu cầu phải khởi công và triển khai. Đáng chú ý, thành phố đang khẩn trương triển khai dự án đường Vành đai 4. Đây là dự án được thành ủy, thành phố đặc biệt quan tâm. Dự án còn đặt mục tiêu giảm tải áp lực cho Vành đai 3, giúp tuyến đường này chỉ đóng vai trò, chức năng là vành đai đô thị chứ không còn là vành đai liên tỉnh cộng với đô thị như hiện tại.

Với những vấn đề thực tiễn, bức xúc hằng ngày, Sở GTVT Hà Nội đã tái thành lập tổ công tác liên ngành họp hằng tuần về tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông. Từ tổ công tác này, Sở GTVT Hà Nội ra quyết định thành lập thêm 4 nhóm với 3 lực lượng liên ngành gồm thanh tra giao thông; ban duy tu, phòng quản lý kết cấu hạ tầng và lực lượng cảnh sát giao thông để có lắng nghe, khảo sát thực địa và đánh giá.

“Tôi nói với anh em, thành phố có hơn 30 điểm ùn tắc, cộng thêm 10 điểm phát sinh. Trong đó tuần này bao nhiêu điểm được xem xét, hiệu quả thế nào; tuần sau bao nhiêu điểm được đưa vào diện rà soát, xử lý, những điểm nào được xử lý dứt điểm cũng phải đưa ra” - ông Thường nói và nêu rõ, với những địa điểm, hành lang liên quan đến lưu lượng giao thông lớn, mang tính bức xúc dân sinh thì dứt khoát phải có tư vấn, đánh giá và áp dụng phần mềm mô phỏng giao thông để có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.

Thông xe Vành đai 2 trên cao, giảm ùn tắc thế nào?   

Theo ông Thường, tới đây, Sở GTVT Hà Nội sẽ chuẩn bị, tham mưu cho thành phố, chuẩn bị trên thực địa để đưa Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đi vào hoạt động. Ngành giao thông đã nhiều lần nghe về phương án tổ chức giao thông ở hai đầu Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Từ đó, làm sao để có phương án tối ưu, khi thông xe sẽ giúp Ngã Tư Sở không trở thành điểm đen lớn về ùn tắc.

Ông Thường cũng nêu thực trạng đường phố của Thủ đô rất hẹp, nếu làm được đoạn này thông thì đoạn khác sẽ ách tắc. Đơn vị đang tính toán để thông đoạn Ngã Tư Sở thì không khó nhưng khi thông vị trí này lại ùn tắc đường Láng. Khi xem trên thực địa, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều; thiết kế lưu lượng giao thông tối đa của đường Láng chỉ 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. 

Bên cạnh đó, đoạn nút giao Yên Lãng - đường Láng cũng thường xuyên ùn tắc. Nếu phương tiện cùng lúc đổ toàn bộ xuống Ngã Tư Sở thì không chỉ ùn tắc đến Yên Lãng mà còn ùn tắc đến Láng Hạ - Lê Văn Lương. Để tránh gây ùn tắc diện rộng, ngành giao thông đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống của tuyến Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu rõ, Hà Nội đã đặt mục tiêu di dời một số cơ sở ra ngoại thành nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được. Nếu không quyết liệt hoàn thành mục tiêu đó, ùn tắc giao thông sẽ còn kéo dài hơn nữa. Đặc biệt, cần hạn chế phương tiện cá nhân, bởi lượng xe máy đã xấp xỉ bằng số dân thường trú. Nếu tiếp tục tăng cao từng ngày như hiện nay, không một cơ sở hạ tầng nào có thể đáp ứng được áp lực do xe cá nhân mang lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn