MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh trong một buổi sinh hoạt tập thể. Ảnh: Tri thức trẻ

Nếu trường công sai phạm như Lương Thế Vinh, Hiệu trưởng đã mất chức

QUANG ĐẠI LDO | 03/10/2017 12:07
Vụ việc gây xôn xao dư luận về Trường Lương Thế Vinh cho thấy việc xã hội hóa (kinh doanh giáo dục) còn có không ít bất cập, mặt trái cần được xem xét, điều chỉnh.

Sau khi bị “tố” hà khắc, Trường Lương Thế Vinh đã công bố bản Nội quy có nhiều điều gây tranh cãi như học sinh đi học muộn quá 5 phút không được vào lớp, bị phạt lao động công ích; cấm gửi xe ngoài trường, quên quẹt thẻ 3 lần bị hạ hạnh kiểm; nhiều cấm đoán sử dụng FB…

Trả lời báo chí, đại diện Trường Lương Thế Vinh cho rằng, họ không sai, không hà khắc, và không thay đổi.

Nhiều người ủng hộ Trường Lương Thế Vinh, vì cho rằng là trường tư, họ có quyền tự chủ, và được phép làm những gì pháp luật không cấm; quan trọng là sản phẩm “đầu ra” chất lượng cao.

Một hiện tượng “khác thường” như trường Lương Thế Vinh cần được đánh giá một cách toàn diện, khách quan, đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, vẫn chưa thấy Sở GDĐT Hà Nội có phát ngôn chính thức về vấn đề này.

Theo VnExpress.net, từ năm 2014, thanh tra Sở GDĐT Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm của trường Lương Thế Vinh như cắt xén chương trình môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Công nghệ, Thể dục, Tin học.

Trường đã kiểm tra học kỳ II môn Lịch sử (trước thời gian quy định), cắt bỏ nội dung thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, không thực hiện giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Trường cũng được cho là xếp thời khóa biểu tùy tiện, ghép đôi, ghép ba các môn không đúng quy định, nội dung ở sổ ghi đầu bài, lịch báo giảng, thời khóa biểu không khớp.

Những sai phạm nói trên, nếu là trường công lập thì Hiệu trưởng đã bị kỷ luật rất nặng, có thể bị cách chức, vì đã vi phạm nghiêm trọng quy định chuyên môn.

Tuy nhiên, vì là trường tư nên cơ quan quản lý nhà nước không thể xử lý kỷ luật cán bộ quản lý, mà chỉ có thể xử lý phạt hành chính. Quyền nhân sự, thuộc Hội đồng quản trị.

Trường công, yêu cầu công khai tài chính rõ ràng, những người quan tâm đều có thể tiếp cận; nhưng trường tư lại có sự khác biệt, vì hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Phải chăng chính vì điều này mà một số trường tư có thể tự tung tự tác?

Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Chúng ta phải ghi nhận trường Lương Thế Vinh đã tiên phong và có rất nhiều đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, không vì thế mà buông lỏng quản lý, để xảy ra những hiện tượng bất thường, những hành vi tùy tiện trong quản lý chuyên môn, giáo dục học sinh.

Mặt trái của kinh doanh giáo dục cần được khuyến cáo và có chế tài phù hợp để xử lý. Đó là tính chất trục lợi, vụ lợi, cách hành xử tùy tiện, tự cho mình quyền “sáng tạo” những biện pháp, giải pháp trái quy định của Bộ GDĐT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn