MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công một dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Ảnh: TTXVN

Ngăn chặn lãng phí, tăng vốn do vướng mặt bằng: Không để dự án nghìn tỉ chậm tiến độ vì… vài hộ dân

Lam Duy LDO | 04/04/2022 12:57

Trong khi nhiều địa phương đang rốt ráo triển khai cấu phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, không ít địa phương vẫn gặp hàng loạt khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án thành phần giai đoạn 2017-2020. Người đứng đầu Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, giải phóng mặt bằng cho đến nay vẫn là trở ngại lớn nhất với dự án quy mô cả trăm nghìn tỉ đồng này.

Nhiều dự án nghìn tỉ chậm tiến độ

Cho đến thời điểm cuối tháng 3.2022, đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 lũy kế mới thực hiện đạt hơn 31% giá trị hợp đồng. Trong 10 dự án thành phần đang thi công, có 8 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, 2 dự án chậm so với kế hoạch. Trong đó dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay chậm 6,79% so với kế hoạch. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh.

“Bộ GTVT sẽ làm việc, yêu cầu các nhà thầu ký cam kết huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết và sẽ kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ (cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý trong thời gian tới...)” - đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông thông tin.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ tiến độ thi công ở dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An cũng bắt nguồn từ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và vì lý do này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An - ông Lê Hồng Vinh - vào giữa tháng 3.2022 có công văn phê bình Chủ tịch thị xã Hoàng Mai và các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên do không thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác GPMB làm chậm tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều đáng nói là dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua Nghệ An có chiều dài 87,84km có tổng mức đầu tư 7.500 tỉ đồng và dù hoàn thành GPMB tới 99,6%, dự án đến giữa tháng 3.2022 vẫn còn vướng nhiều hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù. Theo giải thích của lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu, nguyên nhân là do còn 19 hộ dân tại xã Diễn Đoài chưa đồng ý phương án đền bù, đặc biệt là trong việc thống nhất mức tiền đền bù hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Tương tự tại thị xã Hoàng Mai tính đến giữa tháng 3.2022 dù cơ bản hoàn thành công tác GPMB nhưng vẫn còn vướng một phần nhỏ liên quan đến phần đất ở của người dân ở hai xã Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang.

Trong khi đó tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỉ đồng, theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), khó khăn nhất hiện nay là giải quyết dứt điểm phạm vi chồng lấn khoảng 300m giữa dự án kênh Suối Măng - Cây Cà với dự án đường cao tốc  đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Việc chậm trễ giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án cao tốc.

Trông chờ một đề án thí điểm?

Không chỉ với riêng dự án cao tốc Bắc - Nam, GPMB cho đến nay vẫn là vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án hạ tầng giao thông do đặc thù công trình thường đi qua nhiều địa phương, nhiều địa hình khác nhau với không gian chiếm dụng diện tích đất rất lớn. Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Thể - nhìn nhận, công tác GPMB vẫn là “đường găng” rất lớn của dự án cao tốc Bắc - Nam. Chính vì vậy, để sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị mặt bằng, ông Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban quản lý dự án phải tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản; hoàn thành đến đâu bàn giao ngay cho địa phương để triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, không chờ đến mốc thời gian đã đề ra.

Thực tế ngay từ năm 2021, phản ánh từ nhiều bộ, ngành và các địa phương cho thấy GPMB tiếp tục là vấn đề được nêu ra trong những nguyên nhân chính khiến công tác giải ngân đầu tư công đạt tỉ lệ thấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) trong báo cáo gửi Chính phủ cho hay, có khoảng 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong năm 2020, tức khoảng gần 1.900 dự án chịu cảnh chậm tiến độ và trong số này có tới gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do GPMB. Trong các năm trước nữa, những vướng mắc trong GPMB cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều dự án gặp phải và dẫn đến chậm tiến độ.

Chính vì vậy, việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư đang được các địa phương, các chuyên gia kinh tế và cả doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là giải pháp giúp tháo gỡ triệt để những nút thắt chính trong việc triển khai dự án hiện nay, qua đó xóa bỏ e ngại của giới đầu tư và từ đây tăng thu hút nguồn lực đầu tư xã hội vào các dự án hạ tầng. Hy vọng đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn khi Bộ KHĐT mới đây trình Chính phủ đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB thành dự án độc lập để gỡ khó cho các dự án đầu tư công và các dự án PPP.

Tuy nhiên như nhiều ý kiến, việc tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư, thành một dự án độc lập dù là giải pháp được mong đợi nhưng cũng chỉ có thể triển khai hiệu quả nếu có cơ chế xác định mức giá đền bù hợp lý, vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, vừa bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư dự án.

Để xuất thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công

Bộ KHĐT cho biết, trong năm 2022 đã giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ trình Quốc hội xem xét, quyết định Đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn