MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân chăm sóc hoa trên mái đê hữu Hồng đoạn qua quận Hoàng Mai

Ngăn ngừa vi phạm pháp luật về đê điều

Thu Hằng LDO | 16/09/2023 10:30

Hà Nội có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước, đảm nhiệm chống lũ, thoát lũ, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp giao thông… Xác định rõ tầm quan trọng, thời gian qua, Thành phố đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành và sự tham gia đóng góp của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để ngăn ngừa vi phạm pháp luật về đê điều.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Tuyến đê hữu Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng trước đây có tình trạng người dân trồng các loại rau trên mái đê, không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây mất an toàn cho đê. Cũng trên tuyến đê này, người dân tập kết tre, gỗ, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Để khắc phục, giải quyết tình trạng trên, huyện Đan Phượng đã huy động các lực lượng, nòng cốt là chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở phát quang, giải tỏa dứt điểm các trường hợp vi phạm. Vì vậy, hiện nay, khoảng 14km đê hữu Hồng trên địa bàn không còn trường hợp nào vi phạm pháp luật về đê điều. Không chỉ có vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây còn tích cực tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực đê điều và phòng, chống lụt, bão.

Tương tự, tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua địa bàn phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) trước kia thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê. Trước tình hình đó, quận đã huy động nhân lực, bố trí kinh phí cải tạo chỉnh trang mái đê, hành lang chân đê, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và chống các hành vi lấn, chiếm đê điều. Điều đáng nói, sau khi công trình đê điều được chỉnh trang, ý thức của người dân được nâng cao, các hành vi vi phạm không còn tái diễn nữa.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Duy Du cho hay, hệ thống đê điều thành phố Hà Nội là một trong những hệ thống quy mô lớn nhất cả nước (trên 626,5km được phân cấp), đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 209/579 phường, xã, thị trấn ven đê. Ngoài ra, còn có 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài hơn 144,1km chưa được phân cấp. Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ chống lũ, thoát lũ, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Xác định rõ tầm quan trọng, thời gian qua, các cấp, các ngành của thành phố đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về đê điều, trong đó, kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều và có những chuyển biến tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 34 vụ vi phạm đê điều. Các vi phạm đều được Hạt Quản lý đê lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và kịp thời chuyển đến cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý. Trong các tháng 8, 9.2023, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra một vài vụ vi phạm và được chính quyền các địa phương xử lý ngày từ khi mới phát sinh.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ

Công tác bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ đã được hệ thống hóa đầy đủ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra ở vài xã có đê của thành phố Hà Nội, đe dọa đến sự an toàn của công trình chống lũ. Cá biệt, đã xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ đã được Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm như: Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông; tình trạng đổ thải, san lấp lạch sông, lấn chiếm lòng sông, bãi sông với quy mô lớn; tình trạng xây dựng công trình, nhà kho, nhà xưởng trái phép ở lòng sông, bãi sông…

Để từng bước xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều, ông Nguyễn Duy Du cho biết, với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, song song quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương, Thành phố ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, Chi cục giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ lãnh đạo trong đơn vị và các Hạt Quản lý đê tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định; có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong các kết luận kiểm tra của Thành phố và Sở NN&PTNT, trong đó có việc thanh tra trách nhiệm với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong 20 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố.

Chi cục cũng giao các Hạt Quản lý đê thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý và giám sát quá trình xử lý vi phạm về lĩnh vực đê điều. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thiết lập hồ sơ vi phạm; tuân thủ yêu cầu về thành phần, trình tự, thời hạn và biểu mẫu quy định.

“Chúng tôi cũng giao Phòng Thanh tra - Pháp chế chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý đê điều kiểm tra, hướng dẫn các Hạt Quản lý đê lập hồ sơ vi phạm pháp luật về đê điều theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều, tham mưu Chi cục trưởng xử phạt theo thẩm quyền, hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định”, ông Nguyễn Duy Du nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn