MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngân sách đầu tư cho trường chuyên để đào tạo nhân tài hay luyện "gà nòi?"

Sương Mai LDO | 27/06/2020 16:13

Đã nhiều ngày trôi qua, đề xuất "tư nhân hóa" Trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam (gọi tắt là trường Ams) của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia kinh tế - vẫn tạo nên cuộc tranh luận với 2 luồng ý quan điểm đối lập.

Cuộc tranh luận cũng được mở rộng thêm nhiều vấn đề khác của hệ thống trường chuyên như: Vai trò của trường chuyên, cách thức đào tạo trong trường chuyên, kinh phí đầu tư của nhà nước...

Đề xuất tư nhân hóa Trường chuyên Hà Nội- Amsterdam kéo theo nhiều tranh cãi. Ảnh: Hải Nguyễn.

Trường chuyên là nơi "luyện gà nòi"?

Anh Nguyễn Quốc Thịnh - cựu học sinh chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, phần lớn các trường chuyên vẫn chưa phát huy được hết vai trò đặc biệt là đào tạo chuyên sâu.

"Nếu đã gọi là chuyên thì phải chuyên sâu về môn đó. Tôi đi chừng chục trường chuyên các tỉnh trên cả nước, đến 80% học sinh chỉ học chương trình thi đại học, y như mọi trường không chuyên khác. Còn 20% đi vào các đội tuyển và được dạy chuyên sâu thi học sinh giỏi. Như vậy mục tiêu ban đầu của trường chuyên đã bị lệch", anh Thịnh phân tích.

Theo anh Thịnh, nếu trường chuyên không giữ được vai trò nổi trội là đào tạo chuyên sâu thì dư luận có quyền thắc mắc về vai trò, mục tiêu thực sự của trường chuyên hiện nay.

Cũng liên quan đến vấn đề đào tạo chuyên sâu trong trường chuyên, anh Nguyễn Duy Biên (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), lại cho rằng thế mạnh chuyên sâu của trường chuyên không chỉ thể hiện trong đào tạo kiến thức mà trong cách tư duy các vấn đề xã hội khác.

"Không thể phủ nhận rằng trong trường chuyên chỉ có một số lượng nhất định các em được theo học đội tuyển với các kiến thức nâng cao hơn. Tuy nhiên số học sinh còn lại vẫn được học trong môi trường giảng dạy chất lượng, được tiếp xúc với các bạn có năng khiếu nổi bật trong các môn học nên dần học được lối tư duy có chiều sâu. Chính cách tư duy đó khiến các em nhận thức vấn đề sâu sắc, đa chiều. Rất nhiều học sinh trường chuyên đạt được thành công trong cuộc sống và công việc" - anh Biên chia sẻ.

Đầu tư ngân sách cao hơn cho trường chuyên, lớp chọn

Bên cạnh những thảo luận về mô hình giáo dục của trường chuyên, có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống trường chuyên trên cả nước.

Theo Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỉ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP.Hà Nội giai đoạn 2017-2020 quy định: Mức phân bổ ngân sách đầu tư cho mỗi học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam là 18 triệu đồng/học sinh mỗi năm. Đây là một trong những mức cao nhất các bậc học.

Anh Trần Đăng Khoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc ngân sách đầu tư cho trường chuyên cao hơn để đảm mục tiêu chiến lược là giúp học sinh ở đó vào được các đội tuyển và giành các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

"Học sinh được tuyển chọn vào trường chuyên đa phần là các em có năng lực. Phần chi phí đầu tư cao hơn này để chi trả cho cơ sở vật chất, giáo viên, tài liệu và công cụ học tập... nhằm đáp ứng đủ điều kiện về kiến thức và kĩ năng cho các em đi thi quốc gia, quốc tế.

Các em học sinh trường chuyên được đầu tư nhiều hơn đồng thời đi kèm với trách nhiệm học tập nặng hơn, mang vinh quang về cho đất nước. Và số học sinh trong các trường chuyên chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với học sinh đại trà nên phần chi phí đầu tư cao hơn này, tôi nghĩ không đến mức phải gọi là bất bình đẳng - anh Khoa nêu suy nghĩ.

Khác với các ý kiến trên, chị Vũ Vân Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng nếu học sinh trường chuyên được đầu tư ngân sách cao hơn chỉ để đi thi lấy giải thưởng là điều không cần thiết.

"Mấu chốt trong giáo dục không phải là thành tích. Việc đầu tư cao hơn đồng nghĩa với việc thành quả đem lại cũng phải tốt hơn. Liệu có bao nhiêu em học sinh giành giải quốc gia, quốc tế sau này có những phát minh khoa học, sáng kiến trong công việc và xây dựng đất nước?", chị Vân Anh nói.

Liên quan đến vấn đề này, theo thông tin chia sẻ từ Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, ông đã nhận lời mời từ VTV2 tham gia thảo luận về chủ trương bán hay không bán các trường chuyên trong Chương trình "Bây giờ và Ở đây". Vị tiến sĩ cũng mong muốn tìm một người đứng ra tranh luận phản bác quan điểm của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn