MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đào Thị Thanh Nga kiểm tra tình hình hoạt động của máy móc. Ảnh: PV

Ngành khí tượng thủy văn và những người "ăn Tết" thầm lặng

Phạm Đông LDO | 24/01/2020 16:32

Tết Nguyên đán là dịp để mỗi gia đình sum vầy, mọi người dành thời gian thăm, chúc tết nhau sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, với những người làm trong ngành khí tượng thủy văn thì dịp Tết họ vẫn miệt mài với công việc thầm lặng để để đảm bảo việc ứng trực thời tiết.

Ngành khí tượng thủy văn và 365 ngày làm việc

Tại đỉnh đồi nơi đặt Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa (Lào Cai) những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời tiết luôn chìm trong sương mù, nhiệt độ chỉ khoảng 10 độ C, các nhân viên của trạm khí tượng thủy văn vẫn đang miệt mài làm việc.

Do các trạm khí tượng, thủy văn đặt cách xa khu dân cư đã trở thành nỗi quen thuộc với nhiều quan trắc viên. Dù là ngày Tết nhưng mỗi người vẫn lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của đất, trời, sông nước, cho ra bản tin dự báo để người dân an tâm nghỉ ngơi, du xuân.

Chị Nga kiểm tra và ghi chép các số liệu để báo cáo lên đài khu vực.

Chị Đào Thị Thanh Nga (41 tuổi), Trạm trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa cho biết, tại trạm có 3 người đang làm việc tại đây, bao gồm một Trạm trưởng và hai nhân viên. Ngày nào cũng vậy, các nhân viên ở đây phải làm bốn kỳ quan trắc vào 1h đêm, 7h sáng, 13h chiều và 19h tối để cập nhật bản tin dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất.

Nói về công việc ngày Tết, chị Nga cho biết, như đã thành thói quen, dù ngày Tết hay ngày thường, mùa đông dù lạnh giá đến mức nào, kể cả có băng tuyết thì cứ đến mốc giờ là các cán bộ dậy ra ngoài quan trác, ghi số liệu và kiểm tra xem máy móc để báo cáo lên Trung tâm.

"Hồi chưa có đường, bọn tôi toàn đi tắt qua rừng cây để lên Trạm. Do đặc thù công việc nên một năm, những người làm quan trắc khí tượng thủy văn như chúng tôi phải làm đủ 365 ngày. Đã nhiều mùa xuân, chúng tôi đón Tết trong khi làm nhiệm vụ. Gia đình, người thân vẫn nói, công việc của chúng tôi là không có Tết. Nhưng chúng tôi vẫn được nhiều người ủng hộ, động viên” - nữ Trạm trưởng chia sẻ.    

Dù cuối năm nhưng chị Nga vẫn đang say sưa với công việc để kịp thời có bản tin.

"Làm việc chưa bao giờ biết chán"

Anh Hoàng Duy Hậu (28 tuổi) - nhân viên của Trạm Khí tượng thủy văn cho biết, tại Sa Pa, nhiệt độ thấp nên phải quan trắc nhiều yếu tố hơn so với một số trạm. Mỗi ca làm việc, một người quan trắc viên phải ghi chép tất cả các số liệu về khí tượng như: Nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, quan trắc tầm nhìn ngang, quan trắc các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt đất, nhiệt kế khô, nhiệt kế ướt, bốc hơi…

“Người ngoài thì thấy công việc đo khí tượng thủy văn nhạt nhẽo nhưng tôi thì chưa bao giờ biết chán. Bởi lẽ các hiện tượng thời tiết không bao giờ trùng lặp, luôn mới mẻ, cuốn hút tôi từ ngày mới vào nghề cho đến tận bây giờ”, anh Hậu hào hứng kể.

Anh Hậu kiểm tra tình hình hoạt động của máy đo mưa.

Kể về những ngày xa nhà khi phải trực Tết, anh Hậu cho biết, năm đầu tiên trực Tết tại Trạm, anh cũng cảm thấy buồn. Giao thừa không được quây quần bên người thân, nhận mừng tuổi và lời chúc của ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, mỗi khi bắt tay vào công việc, giúp cho người dân nắm bắt được thời tiết để vui xuân, phục vụ sản xuất và đời sống thì những nỗi buồn đó lại nhanh chóng tan biến.    

Cũng theo chia sẻ, do thời tiết những năm gần đây có nhiều đợt thay đổi bất thường, có sương muối, băng tuyết khiến công việc của các quan trắc viên thêm vất vả. Đặc thù của công việc là phải bám trạm, khi nào cũng có người canh và đo đạc số liệu. Báo cáo xong cũng không được đi đâu xa, đề phòng trường hợp số liệu có vấn đề thì sẽ phải đi đo lại.  

Trạm khí tượng Sa Pa khi không có sương mù.

“Với ngày Tết, khi ai có việc bận thì những người còn lại trực thay, người ở xa sẽ được ưu tiên, sau đó đổi ca. Tôi thấy nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Còn đối với tôi, việc có bản tin chính xác đến ban ngành chức năng và bà con nông dân để mọi người vui chơi trong những ngày Tết cũng là niềm vui trong công việc của mình” – anh Hậu vui vẻ nói.

Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa được đặt trên ngọn đồi có độ cao 1.583m so với mực nước biển, cách trung tâm thị xã Sa Pa hơn 1km. Vì yêu cầu vị trí nằm ở nơi thoáng, ít cây cối và không bị che chắn nên khu vực đặt Trạm Khí tượng Sa Pa thưa thớt nhà dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn