MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng tham vấn ý kiến quản lý nhà kính

Phan Tuấn LDO | 21/11/2022 09:19
Lâm Đồng - Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang tham vấn ý kiến của các sở, ngành, địa phương, trang trại... về việc sử dụng nhà kính. Mục tiêu đến 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, bảo đảm hài hòa, cảnh quan, môi trường, phát triển du lịch.
Nhiều nhà kính mọc lên san sát ở  tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Vũ Linh 

Sáng 21.11, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa gửi văn bản kèm dự thảo đề án “Quản lý nhà kính thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đến các sở, ngành, địa phương, trang trại... có sử dụng nhà kính để lấy ý kiến về đề án này.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 4.476,2ha diện tích nhà kính. Trong đó, thành phố Đà Lạt có diện tích cao nhất khoảng 2.554ha (57,1%), huyện Lạc Dương 944,7ha (21,1%)...

Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa với 2.435,5ha (chiếm 54,4%), sản xuất rau 1.818,1ha (chiếm 40,6%), trồng cây khác 222,6ha (chiếm 5,0%).

Dự thảo đề án cho biết, việc phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc xây dựng nhà kính ở khu vực nội đô thành phố Đà Lạt, các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi. Điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị.

Điều đáng nói, tại các khu vực sản xuất nông nghiệp trong nhà kính chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước... đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa.

Mục tiêu của đề án đến 2030 sẽ sẽ giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị. Ảnh: Vũ Linh

Tình trạng này làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ. Thực tế đã xảy ra tại những nơi vùng trũng, vùng lòng chảo ở thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Ngoài ra, nhà kính còn ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng phát triển du lịch.

Ở thành phố Đà Lạt cần phải quy định mật độ nhà kính phù hợp đối với nội ô thành phố và các vùng phụ cận để phát triển hài hòa lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đối với việc xây dựng nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần phải có quy định pháp lý để quản lý.

Mục tiêu chung của đề án là sau năm 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận.

Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 178,8 tỉ đồng bao gồm: Kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỉ đồng (chiếm 2,0%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỉ đồng (chiếm 96,5%), vốn lồng ghép hơn 2,6 tỉ đồng (chiếm 1,5%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn