MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các chuyên gia, việc chuyển các bệnh viện của Bộ Y tế về Hà Nội quản lý là khó khả thi. Ảnh: Trần Lưu

Ngành y tế ảnh hưởng ra sao khi chuyển bệnh viện trung ương cho Hà Nội?

Thuỳ Linh LDO | 04/08/2023 20:25

Nội dung chuyển các bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong những ngày qua. 

Trao đổi với Lao Động ngày 4.8, PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, nếu chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về để Hà Nội quản lý, thì Sở Y tế Hà Nội với quy mô tổ chức, biên chế như hiện nay khó có thể quản lý được số lượng và quy mô các bệnh viện lớn. Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội còn có nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước khác với y tế công và y tế tư nhân trên địa bàn.

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, hiện Sở Y tế Hà Nội đang quản lý hệ thống các cơ sở y tế tuyến huyện, quận, khoảng 42 bệnh viện công, hàng vài chục bệnh viện tư, hàng ngàn phòng khám, nhà thuốc tư nhân vốn đã quá tải. Do đó, nếu thêm nhiệm vụ quản lý gần 40 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn nữa thì sẽ không “kham” nổi.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng khó có thể lo được việc mua sắm đấu thầu tập trung cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng không thể phê duyệt được hết các đề tài, chương trình của các bệnh viện tuyến Trung ương mà lãnh đạo các bệnh viện này hầu hết là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.

"Trong quy chế tổ chức và điều hành bệnh viện, các bệnh viện Trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, các bệnh viện tuyến tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt. Nếu các bệnh viện Trung ương do Hà Nội quản lý thì ngân sách hoạt động sẽ lấy từ ngân sách Trung ương hay Hà Nội cũng là vấn đề cần xem lại" - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đặt ra vấn đề.

PGS.TS Vũ Xuân Phú cũng bày tỏ sự lo ngại cho ngành Y tế bởi nếu các bệnh viện Trung ương thuộc Hà Nội, sẽ khó có thể điều hành và huy động tổng lực để phòng, chống các dịch bệnh khẩn cấp, trên phạm vi rộng như khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Chưa kể, nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối còn nhiệm vụ điều hành các Chương trình quốc gia. Đơn cử như Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách Chương trình Quốc gia phòng chống Lao; bệnh viện phải đủ vị thế, vai trò mới có thể điều hành kêu gọi và thực hiện các Chương trình này.

Chuyên gia này cho rằng, mô hình tổ chức của các bệnh viện tuyến Trung ương như hiện nay đang hoàn toàn phù hợp với các điều kiện.

"Nên chăng chúng ta có thể điều chỉnh về y tế chuyên sâu, y tế khu vực để cho những người dân ở những vùng xa, vùng khó có thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Với hệ thống địa lý, quy mô dân số của Việt Nam, chúng ta nên nghiên cứu thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu, khu vực… để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất" - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn