MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Ảnh: ML.

Ngẫu hứng về chó

LÊ THANH NGA LDO | 16/02/2018 07:27
Theo từ điển bách khoa Wikipedia thì chó là loài động vật đầu tiên được con người thuần hóa cách đây mười lăm nghìn năm vào cuối kỷ băng hà với mục đích để giữ nhà hoặc làm thú chơi.

Phải chăng chính nguồn gốc xa xưa này đã tạo ra một thứ vô thức giống loài, khiến chó trở thành con vật thân tín nhất, được con người yêu quý nhất, và chó cùng với ngựa thuộc số ít loài vật nuôi được coi là trung thành nhất với con người?

Xưa khi một ai muốn bày tỏ lòng trung với chủ, thường nói rằng “ra sức khuyển mã”. Đấy là câu nói khiêm nhường, nhưng trong đó hẳn có ý tự hào về chính lòng trung của mình!

Trong các giai thoại, tôi mới chỉ nghe nói có giống ngựa khôn thường nhịn ăn chết theo chủ, còn tôi đã thấy nhiều con chó, bị chủ đánh đến chết cũng vẫn không phản bội, bị chủ chặt chân vẫn không quay lại cắn, có đi đâu cũng về nhà mình để chết.

Đôi chó béc Đức có màu lông đẹp, to cao và rất thông minh. Ảnh: ML.

Cũng như với nhiều dân tộc trên thế giới, con chó ở Việt Nam trở thành vật nuôi thân thiết, và được giao những nhiệm vụ quan trọng: chó nuôi giữ nhà, chó đi săn... Và có lẽ mang trên mình nhiều “gánh nặng công việc”, nên chó cũng luôn tỏ rõ, ngoài lòng trung với chủ, là ý thức trách nhiệm.

Thật đáng yêu và đáng thương làm sao hình ảnh một con chó nằm trước cửa nhà (hay trước ngõ) lim dim gà gật, nhưng hễ thấy bóng chủ là ngoe nguẩy đuôi mừng, đôi khi âu yếm liếm lên tay chủ; hễ thấy bóng trộm, hay người lạ thì sủa lên những tiếng đầy cảnh giác, thậm chí bất chấp hiểm nguy để bảo vệ không gian gia đình, bảo vệ chủ nhân!

Đây là loài chó béc giống. Ảnh: ML.

Bởi gắn bó với con người, nên người Việt đã từng rất trân trọng, yêu thương chó. Trừ mốt chơi chó cảnh không biết du nhập vào nước ta từ bao giờ, tôi thấy ở cách nuôi chó như một thứ gia súc được việc, người Việt cũng thường thể hiện những tình cảm để ghi nhận công lao, hay bày tỏ niềm yêu mến với loài động vật đặc biệt này. Một bàn tay vuốt ve vỗ về hay lần tìm dưới lớp lông êm mượt những con rận để đảm bảo an toàn thể xác, một lời ngợi khen như là phần thưởng tinh thần khi chó lập công… mà bằng sự tinh nhạy của mình chó đều có thể thấu hiểu.

Cũng bởi thân thiết với đời sống con người từ sớm nên chó xuất hiện trong đời sống văn hóa người Việt. Ngay từ trong văn học dân gian, chó đã được dành cho vị trí khá trang trọng. Gương mặt chó xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao với những nội dung khác nhau: Đánh giá bản thân nó, đánh giá con người trong sự mở ra những liên tưởng… là kiểu âu yếm ghi nhận, như: “Thức khuya hơn chó, dậy sớm hơn gà”, “chó ba quanh mới nằm/ người ba năm mới nói”, “lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”; là kinh nghiệm chăn nuôi, chữa trị: “chó liền da, gà liền xương”, kinh nghiệm ẩm thực: “chó già gà non”, “chó tháng ba, gà tháng tám”….

Chó thường xuất hiện nhất với gà, như một “cặp đôi hoàn hảo”, hẳn vì cả hai đều gần gũi và cốt thiết với đời sống: “thức khuya hơn chó, dậy sớm hơn gà”, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, “chó giữ nhà, gà gáy canh”, “chó cậy nhà, gà cậy chuồng”… Chó còn xuất hiện trong truyện cười, truyện trạng, truyện cổ tích…

Chó Béc,giống chó Đức rất thông minh và lanh lợi. Ảnh: ML.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, chó đã đóng đinh thành những hình tượng cảm động: “cậu vàng” của Lão Hạc (Lão Hạc – Nam Cao), biểu tượng tình bạn thân thiết, biểu tượng của nỗi đau chiến tranh trong thơ Trần Đăng Khoa (Sao không về vàng ơi). Có lẽ, biểu hiện rõ nhất của sự ghi nhận đối với loài chó chính là hành vi thờ chó trong tín ngưỡng dân gian, dĩ nhiên, không phải thờ chó thật mà là thờ chó đá. Chó đá được chôn trước cổng như một linh vật canh giữ nhà cửa hay chốn linh thiêng, cầu phúc; hiện nay nhiều gia đình gắn chó gốm trên trụ cổng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn