MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày 8.3: Hình ảnh của những nữ công nhân lao động cực nhọc mưu sinh

Phương Trang LDO | 08/03/2021 11:50
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Báo Lao Động đã gặp nhiều hình ảnh mưu sinh của những nữ lao động. Mỗi người trong số họ đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là cuộc sống xa nhà, vất vả, chịu khó mưu sinh để lo cho gia đình.
Chị Lê Thị Thuỷ là công nhân Công ty Môi trường Vĩnh Yên đã 10 năm nay. Hằng ngày, chị thường thức dậy lúc 5 giờ sáng để làm việc. Ảnh chụp từ tháng 1.2021
Chị Cà Thị Kiều (22 tuổi, quê Sơn La) lên Hà Nội được 2 năm. Dù là phận nữ, nhưng chị Kiều chấp nhận xa gia đình, xa con nhỏ để theo chồng lên Hà Nội làm nghề phụ hồ. Chị Kiều nói vì ở quê không được học hành tử tế, kinh nghiệm không có nên cơ hội tìm công việc nhẹ nhàng rất khó khăn. Trước đó, dù đã đi tìm rất nhiều công việc khác nhưng chị đều nhận về cái lắc đầu. Thời gian đầu, chị Kiều đi khắp hàng quán, vỉa hè xin việc mong sẽ có người giao nhưng cuối cùng vẫn không có một công việc phù hợp. Sau đó, chị đành theo chồng phụ hồ. Được một thời gian, chồng không may bị tai nạn phải về quê chữa trị, từ đó, chị trở thành lao động chính trong gia đình. Ảnh chụp từ tháng 1.2021
Dù biết ngày 8.3 là ngày dành cho phụ nữ nhưng người phụ nữ bán hoa này chưa bao giờ suy nghĩ sẽ được nhận hoa, nhận quà, hay dành riêng cho mình một ngày để nghỉ ngơi. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
Những người phụ nữ làm nghề gánh hàng, bốc vác thuê ở chợ Long Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều có hoàn cảnh khó cực, phải bán sức lao động để có tiền trang trải cuộc sống. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
Những ngày này, đường phố rộn ràng sắc hoa, ai cũng vui vẻ mong chờ ngày 8.3 trong khi cùng là phụ nữ nhưng thay vì mong chờ hoa, chờ quà thì những nữ “cửu vạn” lại mong có nhiều việc hơn.
Cõng trên vai hàng chục thùng hàng, chị Nguyễn Thị Luyến (40 tuổi, quê Hà Nam) lên thành phố mưu sinh ngót nghét hơn chục năm nhưng chưa năm nào chị biết tới ngày 8.3. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
“Ngày lễ, thấy chị em phụ nữ hạnh phúc bên gia đình trong khi mình không có ai mà buồn, lắm lúc quay mặt đi khóc thầm một mình, nén vội giọt nước mắt tủi thân vào lòng rồi lại cong lưng làm việc tiếp” - chị Hạnh (42 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
Tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng sức lực của những người phụ nữ này không hề thua bất cứ một người đàn ông nào. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
Bất kể thời tiết mưa lạnh, giọt mồ hôi vẫn ướt đẫm trên trán của các nữ “cửu vạn“, họ luôn oằn mình với chuyến hàng trăm cân từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
Nghề cửu vạn vốn là công việc nặng nhọc vất vả, đối với phụ nữ lại trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Ảnh chụp đầu tháng 3.2021.
Không khác nữ “cửu vạn” chợ Long Biên, ngày mùng 8.3 với nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn diễn ra như ngày thường, thậm chí những ngày lễ lượng rác thải nhiều hơn khiến công nhân vệ sinh như chị Nguyễn Thị Mai Hương (45 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường Tây Đô), phải căng mình dọn rác mới kịp đưa đến điểm tập kết.
Khuất sau những hình ảnh đẹp về ngày mùng 8.3 là hình ảnh những lao động nữ vẫn đang tất bật với công việc mưu sinh mà quên đi ngày lễ của chính mình. Ảnh chụp từ đầu tháng 3.2021.
Hơn 26 năm gắn bó với công việc dọn vệ sinh môi trường, bà Ngạc Thị Toan (Cty Môi trường Đô thị Hà Nội, 50 tuổi, chia sẻ, để được nhận hoa, nhận quà trong ngày 8.3 là điều xa vời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn