MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đối tượng đăng tải bài viết với nội dung chưa xác thực, kích động bạo lực để câu view... trên mạng xã hội bị Công an Nghệ An xử lý. Ảnh: Công an Nghệ An

Ngày “Cá tháng Tư”: Coi chừng đùa trên mạng

Minh Anh LDO | 01/04/2024 06:36

Hôm nay ngày 1.4 vẫn được cho là “Ngày nói dối” hay “Cá tháng Tư”, nhiều người cho rằng, vào ngày này sẽ được nói dối, trêu ghẹo người khác thoải mái. Trong xã hội hiện đại, hãy cẩn trọng với những lời nói đùa, nói dối, đặc biệt trên mạng xã hội bởi chúng không đơn giản là vô hại như vẫn tưởng.

Ngày “Cá tháng Tư” là một tục lệ du nhập, ngày càng được giới trẻ hưởng ứng. Về cơ bản, ngày 1.4 chứa đựng nhiều ý nghĩa giúp mọi người vơi bớt áp lực khi trải qua quý đầu tiên của năm; mang lại tiếng cười vui vẻ cho những người thân yêu; được phép trêu ghẹo người khác (một cách vừa đủ) mà không bị giận dỗi. Vào khoảng thời gian này, người ta có thể nói khoác, nói sai lệch sự thật về bản thân với người khác, nhưng với điều kiện không gây hại lớn đến lợi ích của họ. Qua đó, đôi bên tận hưởng không khí vui vẻ cùng nhau.

Với mạng xã hội bây giờ, khoảng cách giữa nói dối (để đùa) với việc cung cấp, phát tán thông tin sai sự thật rất mong manh. Tất nhiên, người đưa thông tin sai lệch phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước các quy định của xã hội, thậm chí có thể bị phạt tù.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có những điều khoản quy định rất rõ về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Cùng với đó, mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình), phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, người trong gia đình...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn