MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
17 cột đá biểu trưng cho sự bất tử của 17 nghĩa sĩ. Vòng cung phía trên có khắc ghi khẩu hiệu bất hủ của Nguyễn Thái Học: không thành công cũng thành nhân. Ảnh: LN

Ngày đầu năm mới, nhớ Nguyễn Thái Học và tinh thần bất diệt của khởi nghĩa Yên Bái

Long Nguyễn LDO | 10/02/2024 12:43

Mùng 1 Xuân Giáp Thìn, nhằm đúng 10.2.2024 dương lịch, là ngày kỉ niệm 94 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái đầy bi tráng.

Cách đây 94 năm, vào đêm 9 rạng sáng 10.2.1930, một cuộc nổi dậy bằng vũ trang đã nổ ra tại Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức, lãnh đạo nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, mở đầu cho hàng loạt các cuộc bạo động chống Pháp tại nhiều địa phương thuộc miền Bắc nước ta.

Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thái Học (SN 1902) - lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, nhà yêu nước kiên trung, bất khuất khởi xướng và lãnh đạo. Còn phó tướng là Phó Đức Chính (SN 1907).

Với phương châm "Không thành công cũng thành nhân”, khởi nghĩa Yên Bái đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước và toàn Đông Dương thời điểm đó.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Các thành viên chủ chốt bị truy nã gắt gao, giam cầm và hành hình.

Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính cùng 11 người khác bị áp giải từ Hà Nội lên Yên Bái xử trảm sáng sớm 17.6.1930. Trước đó, cùng với hình thức trên, thực dân Pháp đã hành hình 4 người khác vào ngày 8.5.1930.

Những phương châm bất diệt và chân dung 2 thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Bên trái là Nguyễn Thái Học, bên phải là Phó Đức Chính. Ảnh: LN.

Dù thất bại, nhưng sự hy sinh quả cảm, hiên ngang, bất khuất của 17 nghĩa sĩ năm đó đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm trang sử oanh liệt đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Để ghi nhớ những năm tháng oanh liệt, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hi sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 5.3.1990 theo Quyết định số 117/ VH-QĐ.

Phác thảo chân dung anh hùng Nguyễn Thái Học và vợ là bà Nguyễn Thị Giang (cô Giang). Ảnh tư liệu

Những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn, đến thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái trong quần thể Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái, mỗi chúng ta như được nhắc nhớ một khúc tráng ca trong lịch sử để càng trân trọng sự nghiệp giải phóng giành độc lập vĩ đại của dân tộc.

Trong tiết trời se lạnh, không gian ngập tràn sự tươi mới, những câu nói bất hủ "Không thành công cũng thành nhân" và "Chết vì Tổ quốc chết vinh quang" cứ văng vẳng bên tai, thêm thôi thúc những người trẻ càng phải cố gắng hơn nữa để học hành, xây dựng quê hương, đất nước.

Ngay giữa trung tâm khuôn viên Khu di tích, nổi bật là cụm tượng đài Nguyễn Thái Học và các đồng chí như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ngô Hải Hoằng (cai Hoằng) và bà Nguyễn Thị Giang - một trong số ít nữ đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu vực tượng đài nằm chính trong khuôn viên Công viên Yên Hoà. Ảnh: LN

Phía sau cụm tượng đài là nhà tưởng niệm trưng bày các tư liệu về cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, thân thế các liệt sĩ. Bên trái tượng đài là khu mộ rộng gần 100 m2. Bên phải là một khối hình ốp đá hoa cương đen mô phỏng lưỡi máy chém, mặt trên ghi câu thơ của Nguyễn Thái Học đọc trước khi lên máy chém: "Chết vì Tổ quốc, chết vinh quang”.

Bao quanh phần mộ là 17 cột trụ to, tròn, cao tượng trưng cho 17 chiến sĩ được nối với nhau bằng một vòng tròn khuyết với dòng chữ là câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: "Không thành công cũng thành nhân”.

Bài thơ của Louis Aragon ca ngợi về cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ảnh: LN.

Ở giữa khu tượng đài và khu mộ là một tấm bia cách điệu với dòng chữ vàng ghi lời của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon sáng tác tháng 6.1930 sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái:

“Yên Bái

Đây là điều nhắc nhở ta rằng

Không thể bịt miệng một dân tộc

Mà người ta không thể khuất phục

Bằng lưỡi kiếm của đao phủ”.

Theo tìm hiểu của PV, phần tượng đài chính trong khu tưởng niệm có diện tích bệ tượng 56m2, gồm 5 nhân vật: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang và Ngô Hải Hoằng.

Trong nhóm tượng có hai người không bị xử chém là Nguyễn Khắc Nhu, tuẫn tiết trong nhà giam khi bị thực dân Pháp bắt, và Nguyễn Thị Giang, thường gọi là Cô Giang, vợ của Nguyễn Thái Học.

Khi Nguyễn Thái Học bị Pháp bắt, bà cải trang thành đàn ông đi đến pháp trường chứng kiến sự hy sinh của các liệt sĩ, sau đó bà lẳng lặng quay về dùng khẩu súng ngắn của chồng tặng để tuẫn tiết theo chồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn