MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em là đối tượng thường xuyên bị bạo hành. Ảnh: TL

Ngày Gia đình Việt Nam: Gần 70% trẻ em bị cha mẹ bạo hành

KHÁNH HẠ LDO | 28/06/2018 19:24

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ trẻ em bị cha mẹ bạo hành được trình báo. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, gần 70% trẻ em thừa nhận bị bố mẹ đánh đập dưới nhiều hình thức. 

Chỉ từ đầu tháng 6.2018, nhiều vụ trẻ em bị đánh đập dã man được phanh phui, trong đó có không ít trường hợp do cha mẹ thực hiện hành vi bạo lực.

Điển hình là vụ bà ngoại viết đơn kiện bố đánh đập dã man hai con ở Hà Nội vào hồi đầu tháng 6. Hai bé thường xuyên bị bố ruột đóng cửa đánh đập, hàng xóm không thể "cứu".

Những vết lằn còn mới nguyên khi các bé được giải cứu. Ảnh: Quang Trung
Ngày 22.6, tại Bình Dương cũng phát hiện bé 3 tuổi bị mẹ và người tình của mẹ đánh đập gây thương tích. Khi bà ngoại thấy trên đầu của bé có 10 mũi khâu và nhiều thương tích khác trên người, bà quyết định trình báo cơ quan công an. 
Vết thương trên đầu bé Thân - Bình Dương. Ảnh: D.Văn

Theo kết quả nghiên cứu "Kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình ở một số quốc gia và thực tế ở Việt Nam" của PGS.TS Đặng Thị Hoa, có đến 69.5% trẻ em ở độ tuổi 10-15 cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng các hình thức bạo lực nào, như đánh, đấm, đập, tát,... 

 Bạo lực với trẻ em là hành vi đáng lên án. Ảnh: BM

Theo GS.TS. Hoàng Bá Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội): "Bố mẹ ở Việt Nam vẫn có quan niệm dạy con theo phương pháp "yêu cho roi cho vọt". Những trẻ em bị cha mẹ bạo hành thường rơi vào trường hợp cha mẹ có học vấn thấp, nông thôn, hoặc gia đình phức hợp (cha dượng, mẹ kế). Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ có xu hướng bạo hành, trả thù đời, những suy nghĩ về hôn nhân bị ảnh hưởng,... vì chúng bị trải qua một tuổi thơ bị bạo hành".

Theo luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội): "Hiện đã có Nghị định 144/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng phạt tiền không phải biện pháp hiệu quả trong trường hợp trẻ em bị chính cha mẹ bạo hành. Thậm chí nếu cha mẹ bị xử phạt hành chính thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ, tình cảm gia đình bị rạn nứt. Trường hợp nghiêm trọng như bị bạo hành thường xuyên với mức độ thương tích cao chúng ta nên truy cứu trách nhiệm tương ứng".

"Để ngăn chặn hành vi bạo hành đối với trẻ em, cần tạo một môi trường sống lành mạnh, không có cảnh bố đánh mẹ, không có bố mẹ đánh con,... Cha mẹ cần hiểu, con cái sẽ là bản sao của họ trong tương lai. Nếu cha mẹ thường xuyên đánh đập con hoặc đối xử không tốt với người cao tuổi, thì khi lớn lên đứa con cũng sẽ đối xử như vậy với chính bố mẹ và những thế hệ sau của nó" - GS.TS Hoàng Bá Thịnh nêu lời cảnh tỉnh, khuyến cáo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn