MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp cần sự hợp tác giữa tổ chức công đoàn và doanh nghiệp. Ảnh: PV

Ngày mai, báo Lao Động sẽ tổ chức Tọa đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường”

THÔNG CHÍ LDO | 18/04/2018 08:00
Dưới sự chủ trì của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), ngày 19.4.2018 tại trụ sở Báo Lao Động, Tọa đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường”  lần đầu tiên được tổ chức.

Với sự phối hợp của Trung tâm truyền thông TNMT, đây là cơ hội để doanh nghiệp, tổ chức công đoàn ngồi lại với nhau, góp những ý kiến để góp sức chung tay bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), hiện nay cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) có cơ sở đã đi vào hoạt động có phát sinh chất thải từ quá trình sản xuất với tổng diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 80.000 ha.

Trong số 283 khu công nghiệp đang hoạt động, có 221 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) chiếm 78%. Trong số 221 KCN đã hoàn thành xây dựng HTXLNTTT, có 115 KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các KCN đạt 600.000 m3/ngày/đêm. Lượng chất thải rắn phát sinh từ các KCN khoảng 4 triệu tấn/năm.

Nhận định về công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, KCX, Bộ TNMT cho rằng, việc quy hoạch phát triển các KCN tại một số địa phương còn thực hiện tràn lan trong khi khả năng thu hút đầu tư thấp, năng lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế, các KCN chưa ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (BVMT). Một số KCN mặc dù có tỷ lệ lấp đầy cao nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm BVMT theo quy định của pháp luật. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN còn hạn chế, nhiều chủ cơ sở hiểu chưa rõ, chưa chính xác và thậm chí không cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác BVMT.

Nhiều doanh nghiệp trong KCN đã tiến hành lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường và đề án BVMT nhưng chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong giấy phép đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, ban quản lý các KCN ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề BVMT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhiều Ban quản lý các KCN mới chỉ tập trung vào những vấn đề thu hút đầu tư, chưa quan tâm đến công tác quản lý môi trường KCN.

Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường của các cơ quan quản lý đến các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trong KCN còn nhiều hạn chế.

Tọa đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường” được tổ chức với mục đích tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động và các doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tham gia toạ đàm có lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT); Lãnh đạo Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐVN) và hàng chục khách mời đến từ các sở TNMT các tỉnh, tổ chức công đoàn ngành, đại diện doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia toạ đàm sẽ thảo luận về những vấn đề tài nguyên và môi trường cấp bách hiện nay ở nước ta, định hướng phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Những vấn đề tài nguyên và môi trường tại các doanh nghiệp, thực trạng và giải pháp. Vai trò các tổ chức công đoàn, người lao động trong việc gắn hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp với bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn