MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ngồi đợi việc mòn mỏi bên lề đường tại Hà Nội. Ảnh: Trần Kiều

Ngày nhọc nhằn của những lao động tự do

trần kiều LDO | 13/05/2020 09:00

Ngày 12.5, trao đổi với phóng viên, trong câu chuyện của mình, bà Nguyễn Thị Hiển không giấu nổi sự xúc động. Chốc chốc, bà lại đưa tay lên gạt nước mắt, bởi nỗi nhớ chồng con lại ập tới...

Phận đời chan nước mắt

Thức trắng từ 8h tối hôm trước tới 11h trưa hôm sau để làm việc ở chợ Long Biên, bà Nguyễn Thị Hiển trở về xóm trọ nằm sâu trong con ngõ 127 Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội). Thay vội bộ quần áo, phủi tay chân, bà Hiển ngả lưng lên chiếc giường đặt giữa phòng nằm nghỉ. Phía cửa phòng, chị Phạm Thị Thê (48 tuổi) loay hoay xếp lại mấy món đồ. 

Dòng đời đưa đẩy, bà Hiển từ Hưng Yên đến mảnh đất Hà Thành này làm nghề cửu vạn để mưu sinh cũng đã được hơn 20 năm. Quãng thời gian gần bằng tuổi người con trai út của bà. 

Bà Hiển kể nhà có 4 người con, ở quê làm mấy sào ruộng không đủ sống nên hai vợ chồng bà tính chuyện lên phố đi làm. Dù là phận nữ, nhưng bà Hiển chấp nhận xa nhà, xa chồng con để theo mọi người tới Hà Nội lao động. Bà bảo vì là phụ nữ nên có nhiều cơ hội tìm các công việc khác nhau và cũng là để dễ tiết kiệm hơn. 

Hơn 20 năm gắn bó với xóm trọ của người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp này, bà Hiển thấu hiểu những vất vả và tủi nhục của những người cùng cảnh. Nhớ lại ngày mới chân ướt, chân ráo đến đây, bà Hiển bảo thứ tài sản có giá trị duy nhất mà bà có lúc bấy giờ là đôi quang gánh. 

“Lúc đó, tôi chưa biết gì, cứ mang theo đôi quang gánh đi lang thang khắp các con đường, chẳng ai thuê làm gì. Không có tiền, đói. Mấy hôm sau, có chủ hàng thấy thương mới gọi vào gánh hàng cho họ nên mới có công việc và kiếm ra tiền” - bà Hiển hồi tưởng. 

Suốt những năm đầu sống ở Hà Nội, bà Hiển đi gánh hàng khắp khu chợ Long Biên. Thời gian thấm thoắt, đến nay, bà đã gắn bó với khu chợ này được hơn 20 năm. Giờ bà Hiển không còn đi gánh hàng mà chuyển sang đóng hàng. “Hơn 20 năm rồi. Nhưng giờ đóng được 1 thùng dưa, tôi cũng chỉ được 10.000 đồng. Đóng xong cả một xe khoảng 3 tấn, tôi được từ 150.000-200.000 đồng. Còn hôm nào đắt hàng, tôi cũng đóng được mấy tấn” - bà Hiển kể.

Làm việc quần quật từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau, trở về nơi trọ, khắp mình mẩy đau nhức và mệt mỏi. Lúc ấy, nỗi nhớ chồng con lại ập tới khiến khoé mắt bà cay cay. “Khi nào nhớ quá, tôi lại tranh thủ cuối tuần về thăm. Bà ngoại chẳng lúc nào có mặt ở quê, nhưng lúc nào về thì mấy đứa cháu cứ quấn quýt ôm hôn. Hạnh phúc lắm!” - nghĩ lại các con ngày nhỏ ít được gần gũi mẹ, nước mắt bà Hiển lại lăn dài. 

Thế nhưng, không chỉ khóc vì nhớ chồng con, bà Hiển còn khóc vì tội nghiệp cho thân phận mình. Liên tục kéo cổ áo lên lau nước mắt, bà Hiển tâm sự: “Công việc cực nhọc và nhiều người coi thường nói mình là đồ nhà quê, chỉ là người đi làm thuê. Đang bốc hàng mà nghe được những lời đó, tự nhiên nước mắt lại trào. Nhưng mà… cũng đành ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhục làm cho xong để được thanh toán”. 

“Cứ có việc là vui”

Mỗi ngày qua đi, có lẽ điều duy nhất mà bà Hiển quan tâm là cố gắng làm việc chăm chỉ nhất có thể. Bất cứ khi nào có điện thoại gọi đi bốc hàng là bà lại vui mừng, thay quần áo đi ngay. Bà bảo, chẳng nề hà đêm hôm hay mưa gió. 

Vừa dứt lời, chiếc điện thoại “cục gạch” kế bên đổ chuông. Có chủ hàng quen gọi bà ra đóng hàng. “Tranh thủ đắt khách nên đi làm để bù lại hơn 20 ngày ngồi không ở xóm trọ vì dịch. Còn sức lực thì cố gắng làm mới sửa sang được căn nhà ở quê” - vừa mặc lại bộ quần áo lao động, bà Hiển vừa nói. 

Một buổi làm việc mới lại bắt đầu với bà Hiển. Gác lại những nỗi buồn thầm kín, bà rời xóm trọ nghèo, quanh năm ẩm thấp, lặng lẽ đi qua những con ngõ để tiếp tục hành trình kiếm tiền của mình. Bởi bà vẫn thường tự động viên bản thân rằng, làm cái nghề này, mồ hôi nhễ nhại suốt ngày thì lấy đâu ra thơm tho. Vất vả nhưng mình làm bằng sức lao động chân chính, giúp mình kiếm ra tiền nuôi con nhỏ ở quê”.

Công việc khan hiếm

Khoảng 7h tối, ngay gần cây xăng trên đường Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), những người lao động tự do đã ngồi la liệt. Họ ở đây để bắt việc. Sau một thời gian dài không có việc làm do dịch, đến khi trở lại, họ gặp không ít khó khăn do công việc khan hiếm. Chờ đợi suốt mấy tiếng liền nhưng cũng chỉ lác đác 1-2 người được gọi đi đội vữa. Số còn lại đành ngồi tán gẫu với nhau rồi về lại phòng. 

Lên Hà Nội này lao động kiếm sống đã được 8 năm, chưa bao giờ ông Phạm Văn Khiêm (sinh năm 1961), quê Nam Định cảm thấy để có việc làm khó khăn như bây giờ. Ông Khiêm chia sẻ, hai vợ chồng ông dắt díu nhau lên Hà Nội thuê nhà trong khu trọ dành cho người lao động nghèo bên đường Bạch Đằng. Hàng ngày, vợ ông đi thu nhặt ve chai, còn ông thì cứ tối đến lại ra đây bắt việc. Tuy nhiên, mấy ngày nay, tối nào, ông cũng phải ra về vì không có ai gọi. Những người đến đây ngồi cùng ông cũng có chung cảnh ngộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn