MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày Phụ nữ Việt Nam tìm gặp chiến sĩ đập Phùng năm xưa

Hiếu Anh LDO | 20/10/2022 12:15

Nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, chúng tôi có dịp về lại quê hương người gái đảm huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Ở đây, chúng tôi được hội phụ nữ giới thiệu gặp bà Bùi Thị Tư, người được mệnh danh là “bông hồng thép” trên quê hương anh hùng.

Chiến sĩ đập Phùng duy nhất còn lại         

Trong những năm chống Mỹ, đập Phùng (nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) là địa điểm bị đánh phá dữ dội, bởi đây là con đập ngăn lũ sông Đáy cho toàn Hà Nội. Quân dân huyện Đan Phượng đã tiến hành 43 trận chiến đấu với máy bay Mỹ tại đây. Đội bảo vệ đập Phùng ngày ấy, với tinh thần “3 đảm đang”, 5 cô gái xã Song Phương, huyện Đan Phượng đã ngày đêm túc trực bên các ụ pháo, công sự.

Và trong trận chiến đấu bảo vệ đập Phùng ngày 28.4.1967, 4 nữ dân quân Song Phượng đã anh dũng hi sinh và vinh dự được truy tặng danh hiệu dũng sĩ đập Phùng.

Một người còn lại là bà Bùi Thị Tư hiện đã gần 80 tuổi.  

Trò chuyện với chúng tôi, bà Tư cho biết, khi mới ngoài 20 tuổi, bà tham gia vào đội dân quân tự vệ bảo vệ bầu trời thủ đô. Tiểu đội của bà có 10 người thì có tới 5 người là con gái Song Phượng. Cho đến bây giờ, bà vẫn không thể quên cái đêm kinh hoàng vào ngày 28.4.1967. Khi ấy cả tiểu đội đang trực chiến bảo vệ đập Phùng thì máy bay Mỹ xuất hiện, chúng lượn lờ vài vòng ù ù khắp đập tràn, tiểu đội của bà đã quay lòng pháo nhằm hướng kẻ địch mà bắn nhưng không trúng. Thế rồi bà chỉ kịp nghe một tiếng nổ khủng khiếp, hàng tấn bom của địch trút xuống. Bà bị vùi trong đống đổ nát dưới giao thông hào và ngất đi.

Khi tỉnh dậy, bà dùng hết sức bới đất để thoát ra, được một lúc thì ngất. Phải 3 lần như vậy, bà Tư mới lên được mặt đất. Trận đánh đấy, 9/10 chiến sĩ đã hy sinh, chỉ duy nhất bà Tư sống sót.

Nhiều người nghĩ sau trận đó, bà sẽ không còn đủ sức tham gia chiến đấu nhưng khi bình phục, bà vẫn ngày đêm bên các ụ pháo, bảo vệ đập Phùng. Rồi bà còn đi nhiều đơn vị ở một số tỉnh thành, đảm nhiệm chiến đấu cho đến khi hòa bình lặp lại.

Chân dung người chiến sĩ đập Phùng Bùi Thị Tư.

Bên trong người “đàn bà thép”

Bà Tư tâm sự, khi bà mới là một thiếu nữ, nhà bên có anh bộ đội từ Bình Định tập kết ra Bắc. Hồi đó, 2 người còn e thẹn lắm, gặp nhau chỉ dám nói chuyện bâng quơ mà thấy mến nhau từ bao giờ.

Nhưng rồi người lính ấy đi B, hai người mới thề hẹn với nhau. Lời hứa như “dao chém đá”. Đẵng đằng mấy chục năm không tin tức, liên lạc nhưng bà vẫn chờ. Hòa bình lặp lại, ông ấy về, khi ấy hai người đã không còn trẻ nữa (bà Tư đã ngoài 40 tuổi) nhưng họ vẫn quyết định nên duyên vợ chồng.  Nhưng ở với nhau mà không có con. Họ lại quyết định xin một bé trai sơ sinh ở bệnh viện về nuôi dưỡng. Rồi ông ấy yếu dần vì những di chứng, bệnh tật từ cuộc chiến, 3 năm sau ngày cưới thì ông mất. Bà Tư ở vậy nuôi con đến nay.

Giờ đây, chiều chiều bà cùng đứa cháu nhỏ của con trai đi dạo quanh làng. Bà Tư bảo sau những năm tháng chiến tranh, giờ đây có những phút bình yên là điều đáng mơ ước cho những người từng phải cầm súng ra trận.

Nói về câu chuyện thời cuộc nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt nam, người đàn bà thép từng nhiều lần đi qua làn ranh sinh tử ngậm ngùi nói:  "Thời của bà mặc dù giữa bom rơi đạn lạc, giữa sống và chết nhưng mọi người đều rất yêu thương nhau, chia nhau từng củ khoai, củ sắn. Giờ đây cuộc sống hòa bình, đời sống vật chất đầy đủ, lớp thanh niên dường như lại chẳng còn giữ được cái tình cảm ấy nữa...". Bà Tư hy vọng rằng, mỗi năm đến ngày 20.10, sẽ nhắc nhở giới trẻ về những truyền thống hào hùng của người phụ nữ Việt Nam.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn