MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An ký kết hợp đồng với Công ty Viễn thông Viettel Nghệ An về chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua hệ thống Ngân hàng số ViettelPay. Ảnh: TM

Nghệ An: Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản, giao dịch thanh toán điện tử gặp nhiều khó khăn, bất cập

THANH MAI LDO | 09/10/2020 16:57

Để giảm bớt những khó khăn, rủi ro, đồng thời đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho người dân tham gia bảo vệ rừng, Nghệ An đã triển khai thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, hệ thống Bưu điện và giao dịch thanh toán điện tử ViettelPay. Qua hai năm triển khai cách thức chi trả này đã cho thấy sự tiện ích rõ nét, tuy nhiên quá trình thực hiện đã gặp những khó khăn, hạn chế, bất cập cần phải có biện pháp tháo gỡ.

Đổi mới phương thức thanh toán

Thực hiện chủ trương giảm thiểu giao dịch tiền mặt trong chi trả DVMTR của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, UBND tỉnh và được sự thống nhất của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua hệ thống Bưu điện tỉnh Nghệ An, ViettelPay Nghệ An và tài khoản ngân hàng.

Trong đó, Bưu điện tỉnh Nghệ An thực hiện chi trả tiền DVMTR trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông. Viettel Nghệ An thực hiện chi trả tiền DVMTR trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương. Một số đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, Làng Thanh niên Lập nghiệp Biên giới Tam Hợp được chi trả qua hệ thống ngân hàng.

Đến nay, công tác chi trả qua tài khoản ngân hàng, hệ thống bưu điện và thanh toán điện tử ViettelPay đã được triển khai tại 8/14 chủ rừng là tổ chức và 6/6 tổ chức chi trả cấp huyện trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 44,472 tỷ đồng cho 9.391 đối tượng. Trong đó chi trả qua hệ thống Bưu điện là 24,846 tỷ đồng/8.259 đối tượng. Chi trả qua giao dịch thanh toán điện tử ViettelPay là 12,374 tỷ đồng/1.068 tài khoản. Chi trả qua tài khoản ngân hàng là 7,252 tỷ đồng/64 tài khoản.

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và sự nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện (Hạt Kiểm lâm) các huyện gồm Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và các đối tác chi trả trung gian nên công tác triển khai mở tài khoản, chi trả tiền DVMTR đã đạt những kết quả khả quan. Cụ thể như việc chi trả tiền DVMTR qua ứng dụng ViettelPay đem lại nhiều tiện ích, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt việc mở tài khoản cá nhân giúp người dân biết ngay số tiền DVMTR nhận được thông qua tin nhắn điện thoại; chi trả qua hệ thống bưu điện là hình thức chi trả qua đối tác trung gian làm tăng tính minh bạch…

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Việc mở tài khoản và chuyển tiền qua ViettelPay được gắn với sim điện thoại di động cũng phát sinh nhiều bất cập. Ảnh: TM

Tuy vậy, trong quá trình triển khai chi trả tiền DVMTR qua tài khoản cũng gặp nhiều bất cập, hạn chế. Ông Nguyễn Tất Hòa – Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương cho biết: “Chúng tôi thực hiện chi trả tiền DVMTR cho người dân tham gia bảo vệ rừng qua hai hình thức là chi trả qua tài khoản của Ngân hàng NN&PTNT và chi trả qua ViettelPay. Đối với những xã gần thị trấn thực hiện chi trả qua Ngân hàng NN&PTNT có nhiều bất cập, như việc thành lập tài khoản phải đứng tên nhóm hộ nên khi một người trong nhóm đi làm ăn xa thì những người còn lại không thể rút được tiền.

Đồng thời điểm rút tiền, nhận tiền chủ yếu ở trung tâm thị trấn cách xa chỗ ở của người dân, điều kiện đi lại khó khăn, có khi số tiền được nhận không đủ bù chi phí đi lại. Bên cạnh đó, khi chi trả qua tài khoản ngân hàng, các hộ dân phải mất phí duy trì tài khoản, trong khi mỗi năm số tiền được nhận ít, tiền chuyển vào tài khoản mỗi năm chỉ 2 đến 3 lần. Từ đó, các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng đã đề xuất mong muốn cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương trực tiếp vào các xã để chi trả tiền DVMTR. Khi cán bộ vào các thôn, bản để trả tiền sẽ thuận tiện hơn cho người dân đồng thời cũng phối hợp tuyên truyền, trao đổi về công tác bảo vệ rừng”.

Một số chủ rừng có nguồn kinh phí chi trả DVMTR ít, trong khi địa bàn đến chi trả nằm rải rác, trải rộng thì phí dịch vụ chi trả không đủ bù đắp cho chi phí thực hiện chi trả của Bưu điện. Ảnh: TM

Là đơn vị thực hiện chi trả tiền cho người dân bảo vệ rừng qua ViettelPay, ông Lương Vĩnh Phước - Hạt phó Hạt kiểm lâm Tương Dương cho biết người dân không “mặn mà” với hình thức chi trả này. Bởi việc mở tài khoản và chuyển tiền qua ViettelPay được gắn với sim điện thoại di động, tuy nhiên, đối tượng được chi trả chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí chưa cao, nhiều nơi chưa có sóng điện thoại; một số hộ gia đình, cá nhân là người cao tuổi, không biết sử dụng điện thoại di động nên gặp nhiều khó khăn trong công tác cài đặt tài khoản và chi trả tiền.

Các tài khoản đã mở, trong năm chỉ chuyển tiền chi trả DVMTR 1 hoặc 2 lần, trong khi có nhiều người dân không sử dụng sim điện thoại thường xuyên nên quên mật khẩu hoặc làm mất sim, do đó gây khó khăn cho quá trình duy trì tài khoản và chi trả tiền. Hầu hết người dân có nhu cầu rút hết tiền trong tài khoản ngay sau khi được chuyển tiền. “Với nhiều bất cập do đặc thù vùng núi, chúng tôi thấy rất khó để triển khai thuận lợi việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ViettelPay cho người dân” - ông Phước chia sẻ.

Đối với hình thức chi trả qua hệ thống bưu điện tỉnh Nghệ An: tại một số chủ rừng có nguồn kinh phí chi trả DVMTR ít, trong khi địa bàn đến chi trả nằm rải rác, trải rộng thì phí dịch vụ chi trả không đủ bù đắp cho chi phí thực hiện chi trả của Bưu điện. Do đó, năm 2019 chủ rừng đã chủ động xin triển khai chi trả bằng tiền mặt để đảm bảo chi trả kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cài đặt, mở tài khoản, chi trả tiền DVMTR gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên đơn vị đối tác Viettel Nghệ An đã xin dừng hợp tác trong việc chi trả tiền DVMTR qua thanh toán ViettelPay nên cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của cấp trên đối với chi trả tiền DVMTR bằng thanh toán điện tử.

Đề xuất hướng tháo gỡ

Các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng mong muốn được nhận tiền mặt tại thôn, bản. Ảnh: TM

Ông Phạm Bá Hùng – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho biết: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực thực hiện việc chi trả tiền DVMTR đảm bảo an toàn, minh bạch, tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với chi trả bằng hình thức thanh toán điện tử ViettelPay, do vậy Quỹ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp nhằm đảm bảo việc chi trả tiền DVMTR thuận lợi và hiệu quả nhất.

Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đối với thực hiện chi trả tiền DVMTR đến người dân và các đối tượng tham gia bảo vệ rừng cung ứng DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử và qua đối tác trung gian là hệ thống bưu điện.

Trường hợp các phương án chi trả qua tài khoản đều khó khăn hoặc không khả thi trong khi người thụ hưởng mong muốn nhận tiền mặt thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét cho phép tiếp tục chi trả bằng tiền mặt nhưng phải đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đối với việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản và thanh toán điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn