MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển dụng người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: T.L

Nghệ An: Hàng nghìn lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

QUANG ĐẠI LDO | 09/10/2017 07:36

Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhưng đến nay, Nghệ An vẫn có gần 2,3 nghìn lao động tại Hàn Quốc hết thời hạn không về nước, tiếp tục cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Nhiều địa phương bị tạm dừng xuất khẩu lao động

Theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS), từ năm 2005 đến nay, Nghệ An đã có 7.400 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Bắt đầu từ năm 2011, một số lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, hàng năm chiếm tỉ lệ gần 50%. Do đó, từ tháng 8.2012 đến 31.12.2013, Hàn Quốc đã tạm dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc và không tổ chức mới các kỳ thi tiếng Hàn đối với người lao động Nghệ An.

Trong 7.400 lao động sang Hàn Quốc làm việc từ năm 2005 đến nay, Nghệ An đã vận động được 2.967 lao động về nước, hiện còn có 2.287 người hết hạn hợp đồng nhưng ở lại cư trú bất hợp pháp, làm việc tại Hàn Quốc. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tính đến tháng 2.2017, tỉ lệ lao động bất hợp pháp của tỉnh Nghệ An tại Hàn Quốc ở mức 43.15% (đứng thứ 14 sau 13 tỉnh, thành trong cả nước như: Lâm Đồng - 68.18%; Quảng Ngãi - 50.94%; Điện Biên - 58.82%; Quảng Bình - 51.37%, Thừa Thiên Huế: - 48.28%, Thanh Hóa - 45,21%, Hà Tĩnh - 45,75%, Sóc trăng - 46.15%,...).

Hậu quả, Hàn Quốc đã tạm dừng tuyển chọn 11 huyện, thành, thị đã có số lượng từ 60 người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở lên. Các huyện, thành, thị Nghệ An có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao, bị đình chỉ là: Nghi Lộc, TP.Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương…

Thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi sát hạch tiếng Hàn. Ảnh: HUYỀN MINH

Quyết liệt giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh, Sở LĐTBXH Nghệ An và các huyện thị đã tổ chức nhiều cuộc, nhiều hình thức vận động. Các xã trực tiếp làm việc với các gia đình có người lao động cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng để gia đình có trách nhiệm động viên, thuyết phục con em đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Đồng thời, không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc...

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An - các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp, để giảm chi phí và họ đã thạo việc. Công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc từ phía Hàn Quốc chưa chặt chẽ; các chế tài xử phạt chưa nghiêm. Ngoài ra, do lao động khó tìm kiếm việc làm sau khi hết hạn hợp đồng về nước. Mặt khác, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thiếu đồng bộ, khó thực hiện, nhất là chế tài cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tuyên truyền, vận động 2.287 người lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước, phấn đấu giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp năm 2017 xuống còn dưới 30%, nhất là các huyện, thành, thị có từ 60 người trở lên mà Bộ LĐTBXH đã tạm dừng. “Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách ưu tiên đối với lao động về nước đúng hạn như được tuyển dụng trở lại làm việc, được giới thiệu vào các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, được học nghề để lập nghiệp miễn phí…” - ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An - thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn