MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợn nhiễm bệnh được cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy. Ảnh: HQ

Nghệ An nỗ lực dập dịch tả lợn Châu phi

TRẦN TUYÊN LDO | 24/09/2020 14:41
Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền địa phương đang nỗ lực ngăn chặn.

Vào thời điểm này, tại xóm 2 (xã Hưng Nghĩa-huyện Hưng Nguyên-Nghệ An), khu chuồng vốn có 2 con lợn nái, 6 con lợn thịt với tổng trọng lượng khoảng 1 tấn của ông Trần Văn Tiến giờ đã trống trơn do dịch tả lợn châu Phi. “Vừa mới tái đàn không lâu nay gia đình lại một lần nữa trắng tay”, ông Tiến tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho biết: “Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần trở lại đây, trong xã xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Hiện xã đã tiến hành tiêu hủy hơn 4.1 tấn lợn của 10 hộ dân trên địa bàn”.

Khoanh vùng dịch tả lợn châu Phi tại xã Hưng Chính (huyện Hưng Nguyên). Ảnh: Trần Tuyên

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh, huyện Quế Phong đã tiêu hủy 166 con lợn của 52 hộ dân ở 9 xóm tại 3 xã Châu Thôn, Châu Kim và Quang Phong. Tại nhiều thôn, bản, việc nuôi lợn thả rong hoặc chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y làm phát tán, lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Bá Hiền – Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp Quế Phong cho biết: “Huyện đã cử lực lượng xuống từng bản để tuyên truyền người dân khai báo khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường. Triển khai cung ứng và phân phát 204 lít hóa chất cùng 14,5 tấn vôi bột cho những vùng có nguy cơ cao”.

Sau một thời gian tạm lắng, từ cuối tháng 8, bệnh dịch tả lợn châu Phi lại tiếp tục bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tính đến ngày 21.9, số lợn dịch buộc tiêu hủy là 474 con thuộc 123 hộ dân của 27 xã thuộc 9 huyện.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lan rộng, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Địa bàn Nghệ An rộng, có nhiều tuyến quốc lộ, nhiều đường mòn, lối mở đi qua; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên khó kiểm soát; mưa lớn kéo dài, xác động vật chết, chất thải từ các lò mổ theo nguồn nước đi khắp nơi…”

“Các huyện phải rà soát, thống kê tổng đàn lợn; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tốt ‘năm không’ theo quy định và nhất là không dấu dịch, không bán chạy lợn bệnh”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Đặc biệt, để tránh tình trạng “dịch chồng dịch” (ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện ở một số địa phương), các địa phương cần kiểm sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở. Tăng cường kiểm soát con giống khi tái đàn. Bên cạnh đó, triển khai các đợt tiêm phòng trên diện rộng, khử trùng môi trường để chủ động phòng chống các các loại dịch bệnh khác trên vật nuôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn