MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ An triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang Đại

Nghệ An quyết liệt dập dịch tả lợn châu Phi, chỉ còn khoảng 30 ổ dịch

QUANG ĐẠI LDO | 20/12/2023 18:05

Do những nỗ lực đồng bộ và quyết liệt, số lượng ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm mạnh, tiến sát mục tiêu dập dịch thành công.

Ngày 20.12, trao đổi với phóng viên, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 30 ổ dịch tả lợn châu Phi với quy mô nhỏ lẻ rải rác ở một số huyện như Nghi Lộc, Anh Sơn, Diễn Châu…

“Dịch tả lợn châu Phi đã đi qua thời kỳ bùng phát và đang tiến tới sát mục tiêu kết thúc dịch. So với thời điểm cuối tháng 11.2023, vẫn còn 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày, kết quả hiện nay là rất tích cực và đem lại tín hiệu vui cho người chăn nuôi” – đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An khẳng định.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương huyện Anh Sơn kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang Đại

Trước đó, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp có nguy cơ lan rộng gây nguy hiểm cho đàn lợn và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch lây lan, dập dịch triệt để tại gốc.

Cụ thể, đã thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh.

UBND các xã huy động lực lượng của địa phương kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, mương, bãi rác...). Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch (kinh phí hoạt động đoàn liên ngành, tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh, kinh phí mua vật tư, vôi bột, hoá chất, vắc xin…); kinh phí triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

“Hiện nay, chúng tôi đang hướng dẫn các địa phương triển khai việc kê khai thiệt hại và lập hồ sơ hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Việc hỗ trợ kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng góp phần tăng hiệu quả của công tác phòng chống dịch, người dân được hỗ trợ nên sẽ không tẩu tán lợn bệnh, giấu dịch. Hi vọng dịch được dập sớm để người chăn nuôi lợn có một cái tết đầm ấm” – ông Đặng Văn Minh – Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn