MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ An: Vướng cơ chế, hơn 1.700 giáo viên mầm non bị chậm lương

QUANG ĐẠI LDO | 08/05/2022 15:56

Từ đầu năm 2022, hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng của tỉnh Nghệ An bị chậm lương và vướng mắc về nguồn chi trả lương, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tâm lý.

Từ đầu năm 2022, khoảng 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng của tỉnh Nghệ An bị chậm lương, gây khó khăn, bức xúc rất lớn.

“Lương giáo viên mầm non vốn đã thấp, dịch bệnh khó khăn, cộng thêm 3 tháng liền không có lương, giáo viên rất mệt mỏi, bức xúc và hoang mang, lo lắng. Một số người chia sẻ ý định bỏ việc” – cô NTA- giáo viên mầm non tại Quỳnh Lưu chia sẻ.

Ngày 8.5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Toàn huyện có 172 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06/2018, được hưởng lương từ nguồn ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, theo Nghị định 105/2020 thì các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018 hết hiệu lực vào tháng 12.2021. Do đó, 172 giáo viên hợp đồng lao động của huyện không có lương trong 3 tháng đầu năm 2022.

“Để giải quyết khó khăn, bảo đảm ổn định đời sống giáo viên, huyện đã thống nhất trích ngân sách từ nguồn sự nghiệp giáo dục để trả lương cho các giáo viên này bắt đầu từ tháng 4/2022, khoảng vài tỉ đồng/tháng. Các giáo viên sẽ được truy lĩnh cả 3 tháng lương đầu năm” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nói và cho biết thêm đây chỉ giải pháp trước mắt. Để có nguồn trả lương ổn định cho giáo viên mầm non cần có Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh.

Tất cả các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều gặp khó khăn, vướng mắc tương tự huyện Quỳnh Lưu.

Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An còn 1.724 giáo viên hợp đồng hưởng lương kinh phí do ngân sách cấp theo Nghị định 06/2018. Giáo viên mầm non ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018 là đối tượng ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức.

Do các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018 hết hiệu lực vào tháng 12/2021, nên từ tháng 1.2022, 1.724 giáo viên hợp đồng lao động của Nghệ An không được cấp ngân sách để chi trả lương.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và tâm lý đội ngũ giáo viên, gây khó khăn, bức xúc trong ngành giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cho ý kiến tháo gỡ khó khăn về chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định 06 khi chính sách hết hiệu lực vào tháng 12/2021.

Ngày 8.5, trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Thành -  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết trước tình trạng vướng mắc dẫn đến chậm lương đối với khoảng 1.700 giáo viên mầm non, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện trích ngân sách huyện từ nguồn sự nghiệp giáo dục để trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định 06.

“Đến nay cơ bản các địa phương trong tỉnh đã thực hiện, tuy nhiên một số nơi vẫn còn khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh cấp nguồn kinh phí trả lương cho số giáo viên mầm non nói trên, nhưng Sở Tư pháp lại có ý kiến cho rằng còn vướng luật, vì ngân sách địa phương không được chi trả lương. Để tháo gỡ, Sở sẽ tham mưu theo hướng ngân sách hỗ trợ khoảng 90% tiền lương, còn 10% sẽ trích từ nguồn thu sự nghiệp giáo dục” – ông Thái Văn Thành nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An khẳng định toàn bộ số giáo viên mầm non nói trên thuộc chỉ tiêu biên chế và sắp tới sẽ có lộ trình tuyển dụng 100% vào biên chế để bảo đảm ổn định.

Ông Trần Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết đối với Sở Tài chính, ngay sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ tham mưu việc cấp nguồn kinh phí để trả lương cho đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định 06.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn