MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghề báo giúp tôi thấy mình có giá trị

Thành Nhân LDO | 26/05/2022 16:30
Cuối năm 2018, đang làm luận văn tốt nghiệp thì PGS.TS Phan Trung Hiền (Khoa Luật, Trường ĐH Cần Thơ) giới thiệu tôi đến học nghề tại Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL. Sau mấy tháng hì hục học cách viết, chụp hình,... nghề báo đã ngấm sâu vào máu của mình lúc nào tôi cũng không hay.

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, ngay khi từ An Giang vừa xuống Cần Thơ để làm việc sau Tết Nguyên đán, tôi được phân công vào Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ ghi nhận việc đón rước đồng bào về nước cách ly tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 932 (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). Với những chiếc khẩu trang, laptop, máy ảnh… suốt mấy tháng liền, ở các “điểm nóng” về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.Cần Thơ đều có bước chân của tôi đặt đến để đưa thông tin nhanh nhất đến bạn đọc của Báo Lao Động.

Cao điểm vào đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, những lần TP.Cần Thơ phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến đời sống của người lao động, đặc biệt là người bán vé số dạo, gặp rất nhiều khó khăn. Ngày đó, dù sáng hay đêm, tôi vẫn nhong nhong ngoài đường để ghi nhận về cuộc sống sinh hoạt của người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cứ thế, trải qua 4 lần đại dịch COVID-19 những tin, bài về đời sống của người lao động sự vất vả, chật vật của họ khi phải sống khó khăn tại thời điểm đó đều được phản ánh một cách đầy đủ trên Báo Lao Động.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 2021, tôi được phân công xác minh phản ánh của bạn đọc về việc giáo viên không được hưởng chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè tại một trường mầm non ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Qua xác minh và thu thập thông tin, liên tiếp các tin, bài trên báo điện tử Lao Động đã phản ánh sự việc. Sau đó, UBND quận Ô Môn đã ban hành kết luận thanh tra các sai phạm của lãnh đạo nhà trường, đồng thời, chỉ đạo khắc phục và thực hiện chế độ thai sản cho giáo viên.

Từ những thông tin phản ánh của Báo Lao Động, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt và xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật càng làm cho tôi cảm thấy yêu thích công việc mang đến niềm tin và giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.

Nghề báo có cực, có nguy hiểm và đòi hỏi sự dấn thân. Nhưng nghề báo khiến tôi cảm thấy mình có giá trị. Môi trường làm việc được tiếp xúc với nhiều người, gặp từ các bác nông dân chân lấm tay bùn, anh chị em công nhân trong các khu công nghiệp cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Đó là những trải nghiệm quý giá của cuộc đời.

Nhiều đồng nghiệp vẫn kháo nhau: “Môi trường làm việc tại Báo Lao Động rất áp lực”. Điều đó không sai. Nhưng với trải nghiệm của mình, tôi lại thấy thích cái áp lực đó. Chính nhờ môi trường áp lực tại Báo Lao Động đã rèn luyện tôi từ một đứa “chân ướt chân ráo” chập chững vào nghề giờ đã trưởng thành hơn với chính mình, ghi được nhiều dấu ấn trong thời gian làm việc của mình. Đi nhiều, viết thật nhiều, luôn phải học thêm những cách tác nghiệp, trang thiết bị mới, không chỉ để đủ định mức tin bài cơ quan giao, mà còn là cơ hội giúp tôi tích lũy thêm vốn sống và kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Người xưa nói: “Nghề chọn người”. Với tôi, điều này là có thật. Cái duyên với nghề báo khi bỡ ngỡ đặt chân vào Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL năm nào đã “trói” tôi vào nghề như thế!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn